“Anh muốn đổi phần tiếp theo lấy gì nào?” ông hỏi. “Chẳng gì hết, tôi
nói đoạn chìa cho ông phần còn lại, tôi không phải một kẻ tống tiền.” Ông
nhìn tôi với vẻ biết ơn, đoạn vồ lấy chừng trăm trang bản thảo kia như thể
đó là một thánh tích. Khi rời khỏi quán bar chuyên phục vụ hàu, tôi hỏi
Jasper lần nữa xem ông có tin tức gì về Fawles không, nhưng ông lẩn tránh.
Tôi đổi chủ đề bằng cách nói với ông rằng tôi đang tìm một đại diện văn
học ở Mỹ cho dự án sách mới: tôi muốn kể những ngày cuối cùng của
Nathan Fawles trên đảo Beaumont dưới dạng tiểu thuyết hóa. “Đó là một ý
tưởng vô cùng tệ hại,” Jasper lo lắng. “Đây không phải tiểu sử cũng không
phải một tác phẩm xâm phạm đời tư, tôi cố gắng trấn an ông, chỉ là một hư
cấu lấy cảm hứng từ nhân vật Fawles. Tôi đã có nhan đề rồi: Cuộc sống bí
mật của các nhà văn.”
Jasper vẫn không hề động lòng. Tôi không tới để tìm lời chúc phúc của
ông, nhưng vẫn cảm thấy bối rối khi chia tay ông mà ông giữ thái độ lạnh
nhạt. “Tôi không muốn viết về bất cứ thứ gì khác, tôi nói thêm. Đối với
một tiểu thuyết gia, không gì đau đớn hơn là mang trong mình một câu
chuyện mà không thể kể nó ra.” Lần này, Jasper gật đầu. “Tôi hiểu,” ông
nói trước khi tuôn ra câu thoại mà ông chuyên dùng để trả lời báo chí: “Bí
ẩn Nathan Fawles, đó là chẳng có bí ẩn nào hết.”
“Ông đừng lo, tôi đáp. Tôi sẽ sáng tạo ra một bí ẩn, đó là công việc của
tôi.”
*
Trước khi rời New York, tôi đã mua nhiều dải mực tại tiệm của một tay
chuyên bán máy chữ cũ tại Brooklyn.
Tôi về tới Nam Thập Tự vào đầu giờ tối một ngày thứ Sáu, hai ngày
trước Giáng sinh. Trời lạnh nhưng quang cảnh thì vẫn khiến người ta kinh
ngạc, gần như vô thực, khi mặt trời lặn cuối chân trời. Lần đầu tiên tôi có
cảm giác trở về nhà mình.
Tôi đặt lên mâm quay chiếc đĩa than của bản gốc Khẩu súng cổ, vật lộn
nhóm một ngọn lửa trong lò sưởi rồi rót cho mình một cốc Bara No Niwa.