nhất cũ kỹ của tờ Livres Hebdo ra từ thời Romain Gary vẫn còn viết (tôi
chỉ nói hơi quá một chút thôi…). Tôi những muốn mở toang mấy tấm rèm,
gỡ những tấm thảm màu tía sờn mòn, cải tổ lại toàn bộ các kệ giá và bàn
trưng bày sách.
Như thể đọc được suy nghĩ của tôi, Audibert lên tiếng:
- La Rose Ecarlate có từ năm 1967. Bây giờ hiệu sách trông vớ vẩn thế
thôi chứ ngày xưa, đây là một tổ chức đúng nghĩa. Nhiều tác giả, cả người
Pháp lẫn ngoại quốc, từng tới đây giao lưu hoặc ký tặng sách.
Ông lấy từ ngăn kéo ra một cuốn sổ mạ vàng bìa da rồi đưa cho tôi như
muốn giục tôi lật xem. Nhìn những bức ảnh chụp, quả nhiên tôi nhận ra
Michel Tournier, J.M.G. Le Clézio, Françoise Sagan, Jean d’Ormesson,
John Irving, John Le Carré và… Nathan Fawles.
- Ông sẽ đóng cửa hiệu sách thật ư?
- Không luyến tiếc, ông khẳng định. Mọi người không còn đọc sách nữa,
là vậy đấy.
Tôi chỉnh lại:
- Có lẽ mọi người đọc kiểu khác chăng, nhưng họ vẫn đọc mà.
Audibert vặn nút tắt bếp để ngắt tiếng rít của chiếc ấm pha cà phê kiểu
Ý.
- Rốt cuộc, cậu hiểu ý tôi muốn nói gì rồi đấy. Tôi không nói với cậu về
giải trí mà về văn học đích thực.
Dĩ nhiên rồi, cái thứ “văn học đích thực” trứ danh ấy… Với những người
như Audibert, luôn có một thời điểm để cụm từ này - hoặc cụm “nhà văn
đích thực” - lại được mang ra tranh luận. Thế mà tôi chưa từng cho bất cứ
ai cái quyền bảo tôi nên đọc cái gì hay không. Vì tôi thấy dường như cái
cung cách tự phong cho mình chức thẩm phán để quyết định cái gì là văn
học và cái gì không này thật tự phụ vô chừng.
- Cậu có biết nhiều độc giả đúng nghĩa xung quanh mình không? ông chủ
hiệu sách bỗng hăng lên. Tôi đang nói với cậu về những độc giả thông tuệ