đảo. Để đến được đấy, phải vượt qua bãi biển cuối cùng ở phía Bắc - bãi
Vịnh Bạc - rồi đi tiếp hai cây số nữa trên con đường đất hẹp nằm giữa rừng
thông.
Theo những lời chỉ dẫn mà tôi lượm lặt được trong tuần, lối vào khu đất
của Nathan Fawles nằm ở cuối con đường vốn rất hợp với cái tên ngộ
nghĩnh là đường mòn của những nhà thực vật học này. Khi rốt cuộc cũng
tới nơi, tôi chỉ thấy một cánh cổng nhôm lồng khít trong bức tường bao cao
ngất bằng phiến thạch. Không có hộp thư cũng chẳng có bất kỳ ghi chú nào
về tên chủ sở hữu. Về lý thuyết, ngôi nhà mang tên Nam Thập Tự, nhưng
cái tên này chẳng được thể hiện ở bất cứ đâu. Duy chỉ có vài tấm biển nồng
nhiệt chào đón bạn: Nhà riêng, Cấm vào, Chó dữ, Khu vực có camera giám
sát… Thậm chí còn chẳng có cách nào để bấm chuông hay thông báo về sự
hiện diện của mình. Thông điệp hết sức rõ ràng: “Bất kể bạn là ai, bạn
cũng không được chào đón.”
Tôi bỏ xe đạp lại rồi men theo chân tường bao. Đến một lúc, khu rừng
nhường chỗ cho một khoảng cây bụi um tùm những thạch thảo, sim và oải
hương dại. Sau năm trăm mét, tôi ra tới một vách đá dốc thẳng xuống biển.
Bất chấp nguy cơ ngã tan xương, tôi trượt trên những mỏm đá cho tới
khi tìm thấy một điểm tựa. Tôi khó nhọc đi dọc một vách đá mà rốt cuộc tôi
cũng có thể vắt chân bước qua ở chỗ vách bớt dốc hơn. Vượt qua chướng
ngại ấy, tôi tiếp tục đi theo bờ biển chừng năm chục mét nữa, rồi sau khi
vòng qua một khối đá, rốt cuộc tôi cũng trông thấy nó: nhà của Nathan
Fawles.
Được xây trên sườn vách đá, căn biệt thự như được tạc trong đá. Theo
truyền thống vĩ đại của kiến trúc hiện đại, đó là một hình hộp được kẻ sọc
bằng những tấm lát bê tông cốt thép để thô kiểu tháo ván khuôn. Ba tầng
nhà sừng sững, các sân hiên được xây bên sườn nhà và đảm bảo lưu thông
bằng một cầu thang đá dẫn thẳng ra biển. Khối móng nhà dường như liền
với vách đá. Nhà được bố trí một loạt cửa sổ kính liền, giống như trên một
chiếc tàu chở khách. Cánh cửa chính vừa cao vừa rộng giúp người ta đoán