mình không phải lo lắng và thế là lãi rồi. Moïse đi chợ bằng những đồng
tiết kiệm cuối cùng của chúng tôi và Madame nấu nướng qua quýt mà
không hề nhầm lẫn hay gặp sự cố gì, và sẽ không ai có thể ngờ hai giờ
trước đó Madame còn vô tri vô giác. Trong y học bác sĩ Katz gọi nó là sự
thuyên giảm. Sau đó Madame lại ngồi xuống vì cố gắng quả là không dễ
dàng với Madame. Madame phái Moïse vào bếp rửa bát và phe phẩy chiếc
quạt Nhật Bản một hồi. Madame ngẫm nghĩ trong bộ kimono.
- Momo, lại đây với bà.
- Có chuyện gì vậy ạ? Bà không chuẩn bị chuồn đi tiếp đấy chứ?
- Không, bà mong là không, nhưng nếu nó tái diễn thì người ta tống bà
vào bệnh viện mất. Bà không muốn đến đây. Bà sáu bảy tuổi rồi...
- Sáu chín chứ.
- Ừ thì sáu chín, bà trông thế chứ làm gì đến nỗi thế. Nghe bà này,
Momo. Bà không muốn vào viện. Họ sẽ tra tấn bà.
- Madame Rosa, bà đừng nói những điều ngớ ngẩn nữa. Nước Pháp có
bao giờ tra tấn ai. Đây có phải Algérie đâu.
- Họ sẽ dùng vũ lực bắt bà phải sống, Momo ạ. Ở bệnh viện họ toàn
làm thế, họ có hẳn luật cho việc đó. Bà không muốn sống quá mức cần thiết
mà giờ thì cần gì nữa. Phải có giới hạn kể cả với người Do Thái chứ. Họ sẽ
bắt bà chịu bạo hành để ngăn bà chết, họ có một hội chuyên làm thế, gọi là
hội hành nghề y khoa. Họ làm ta khổ sở đến bước đường cùng thì thôi và
không muốn cho ta quyền được chết, vì nó tạo ra đặc lợi. Bà có một ông
bạn không đến mức là người Do Thái nhưng bị tai nạn mất cả chân lẫn tay,
và họ đã bắt ông ấy phải chịu đựng mười năm ở bệnh viện để nghiên cứu
sự tuần hoàn. Momo, bà không muốn sống chỉ vì y học đòi phải thế. Bà biết
mình không tỉnh táo và bà không muốn sống hôn mê hàng năm trời để vinh
danh y học. Vì vậy, nếu nghe phong thanh tin đồn Orleans sẽ đưa bà đi
viện, cháu bảo đám bạn cháu tiêm cho bà một mũi rồi vứt xương cốt bà về
quê nghe chưa. Vào bụi cây chứ không vứt bừa bãi đâu nhé. Sau chiến
tranh bà có ở nông thôn mười ngày và bà được hít thở mới đã làm sao.
Bệnh hen suyễn của bà ở đấy thì tốt hơn ở thành phố. Bà đã giơ đít cho