CÓ NGƯỜI GỌI CHUÔNG, tôi ra mở cửa và thấy đứng đó một gã
nhỏ thó mang vẻ thiểu não hơn cả lệ thường, cái mũi lòng thòng và đôi mắt
giống như ta vẫn bắt cặp khắp nơi nhưng còn sợ sệt hơn. Gã trông tái nhợt,
mồ hôi chảy ròng ròng, thở lấy thở để, tay đỡ tim, không phải vì đa tình mà
chỉ vì tim là thứ tệ hại nhất cho các tầng lầu. Cổ áo khoác của gã dựng
đứng và gã không có tóc như rất nhiều người hói khác. Gã cầm mũ trên tay,
như muốn chứng tỏ mình cũng có hẳn một cái. Tôi không biết gã từ lỗ nào
chui ra nhưng tôi chưa bao giờ gặp kẻ nào kém tự tin tới độ ấy. Gã hốt
hoảng nhìn tôi và tôi ăn miếng trả miếng, vì tôi thề với các bạn rằng chỉ cần
nhìn thấy gã một lần là đủ để cảm thấy cái gì đó sẽ phát nổ và từ khắp nơi
rớt xuống đầu ta, và thế là ta hồn vía lên mây.
- Madame Rosa, có phải là ở đây không?
Phải hết sức cẩn trọng trong những trường hợp như vậy, vì những
người không quen biết chẳng leo bảy tầng gác để làm bạn vui lòng.
Tôi giả bộ ngớ ngẩn như tôi có quyền làm thế ở tuổi mình.
- Ai cơ?
- Madame Rosa.
Tôi ngẫm nghĩ. Cần phải hoãn binh trong những hoàn cảnh như thế.
- Không phải tôi.
Gã thở dài đánh thượt, lôi ra một chiếc mùi soa, lau trán rồi lặp lại
động tác ấy theo chiều ngược lại.
- Tôi là một kẻ ốm yếu, gã nói. Tôi đã nằm viện mười một năm và vừa
ra xong. Tôi đã leo bảy tầng mà không có giấy phép của bác sĩ. Tôi đến đây
để gặp con trai tôi trước khi chết, đó là quyền của tôi, có luật pháp quy định
hẳn hoi, kể cả chỗ bọn man di. Tôi muốn ngồi xuống một lát, nghỉ lấy hơi,
gặp con trai tôi, chỉ thế thôi. Có phải là ở đây không? Tôi đã trao con trai
tôi cho madame Rosa cách đây mười một năm, tôi còn biên lai đây.
Gã lục túi áo khoác và chìa tôi xem một tờ giấy cáu bẩn không thể
tưởng tượng nổi. Tôi đọc trong khả năng mình có được nhờ ông Hamil,
người mà tôi mắc nợ tất cả mọi thứ. Không có ông, tôi sẽ chẳng là gì cả.
Giấy biên nhận của ông Kadir Yoûssef ứng trước năm trăm franc cho bé
Mohammed, tình trạng Hồi giáo, ngày bảy tháng Mười năm một chín năm