“Đúng, đó hoàn toàn là sự thật,” bà ta nói trong khi dựa người vào quầy
lễ tân ngăn cách giữa chúng tôi. Từ khoảng cách gần, tôi có thể nhìn thấy
những nếp nhăn trên khóe mắt và nơi khóe miệng bà ta, giống như một đáy
hồ đã cạn khô. Và tôi còn có thể cảm nhận được giọng nói pha chút âm
điệu Scotland trong những lời nói của bà ta. Bà ta tiếp tục với một tông
giọng trầm. “Mọi người sống ở đây là do họ không có đủ khả năng tự chăm
sóc bản thân. Hầu hết những người trong số họ đang mắc phải căn bệnh
Alzheimer, mất trí nhớ hay một số bệnh về thần kinh khác. Họ không thể
nhớ nổi tên con của họ, hay ít nhiều các chi tiết về cuộc đời họ đã trải qua”.
Tôi đã không nghĩ về điều đó. Tôi có thể nhận ra rằng kế hoạch của mình
đang có nguy cơ thất bại. Làm thế nào mà tôi có thể viết được tiểu sử của
một vị anh hùng thời chiến nếu ông ta không thể nhớ nổi những việc mình
đã làm?
“Bà không có bất cứ người nào ở đây không mắc phải căn bệnh mất trí
nhớ sao?”, tôi hỏi với giọng nghe có vẻ đáng thương hơn tôi tưởng.
“Chúng ta có thể để anh ta nói chuyện với Carl”, Janet xen vào.
Bà Janet Lorngren ném một cái nhìn giận dữ, một cái nhìn mà bạn
thường muốn “trao tặng” nó cho một người bạn thân vừa mới hất văng toàn
bộ lời nói dối hoàn hảo của bạn.
“Carl ư?” Tôi hỏi.
Bà Lorngren khoanh tay và bước lùi khỏi quầy lễ tân.
Tôi hỏi dồn: “Carl là ai vậy?”.
Janet nhìn bà Lorngren như đang xin một chỉ thị. Lorngren cuối cùng
cũng gật đầu, đến lượt Janet tựa mình lên quầy. “Tên ông ta là Carl Iverson.
Ông ta bị kết án là kẻ sát nhân”, bà ta thầm thì như một nữ sinh trung học
đang giấu giếm kể một câu chuyện không đúng lúc. “Vụ Cải Huấn gửi ông