- Hans nói đúng. Đây chẳng qua chỉ là một mạch nước phun như vẫn
thường có ở Iceland!
Càng tới gần, tôi càng thấy hòn đảo giống hệt một con cá voi với cái đầu
nhô cao hơn mười bộ cùng chùm tia nước phun lên hết sức vĩ đại. Thỉnh
thoảng mạch nước phun ấy bỗng phát ra những tiếng nổ inh tai, vọt mạnh
lên chạm đến những đám mây đang là là bay. Toàn bộ sức mạnh của núi lửa
tích trong lòng đất dồn cả vào mạch nước phun duy nhất ấy. Những tia lửa
điện chói lòa hòa vào giữa chùm tia nước phun rực rỡ sắc cầu vồng.
- Bơi vào bờ mau! – giáo sư ra lệnh.
Để tránh cái vòi rồng khổng lồ có thể dìm chúng tôi xuống đáy, Hans
khéo léo lái bè vòng tới cuối đảo. Tôi cùng giáo sư lẹ làng nhảy lên một
tảng đá. Hans vẫn ngồi lại giữ bè. Mặt đất nóng hực và hơi rung động dưới
chân chúng tôi. Chúng tôi đã nhìn thấy cái hồ nhỏ, nơi mạch nước đang
phun trào, nhiệt độ nước ở đây lên tới một trăm sáu mươi ba độ. Như vậy,
rõ ràng là mạch nước này phải bắt nguồn từ một lò lửa đang cháy rực và
điều này ngược với lý thuyết của giáo sư Lidenbrock. Tôi bèn nói nhận xét
ấy với chú tôi, nhưng ông bác đi:
- Làm sao chứng minh được?
Tôi làm thinh vì thấy chú tôi bắt đầu có vẻ nổi nóng.
Nhưng tôi vẫn tin là càng xuống sâu nhiệt độ sẽ càng tăng thêm. Vì một
lý do mà tôi không biết, từ lúc bắt đầu cuộc du hành đến nay chúng tôi chưa
gặp khó khăn về điều kiện nhiệt độ. Tôi chắc là có lúc rồi chúng tôi cũng
đến phần mà nhiệt độ trung tâm trái đất sẽ lên tới mức cao nhất.
Sau khi lấy tên tôi đặt cho hòn đảo núi lửa ấy, giáo sư Lidenbrock ra lệnh
cho chúng tôi tiếp tục lên đường. Tôi nán lại mấy phút ngắm mạch nước
phun, chắc rằng do áp suất không đều của những chất khí trong hồ chứa nên
nó phun lúc mạnh lúc yếu. Hans đã tranh thủ sửa lại chiếc bè. Cuối cùng,
chúng tôi ra khơi vòng qua những núi đá ở phía nam hòn đảo Axel.
Thứ sáu, ngày 21 tháng tám. Gió thổi mạnh. Chiếc bè của đoàn thám
hiểm nhanh chóng rời xa hòn đảo Axel. Thời tiết đang thay đổi. Do sự bốc
hơi của nước mặn, khí quyển chứa đầy hơi nước tích điện. Những đám mây