- Và cháu sợ sẽ chảy lỏng ra chứ gì?
- Điều đó thì tùy chú quyết định.
- Vậy thì chú quyết định như thế này, - giáo sư lấy lại vẻ chững chạc nói
– Mọi người kể cả cháu, không một ai biết chắc cái gì diễn ra trong lòng
đất, cho đến nay con người mới chỉ gọi là biết tới một phần mười hai ngàn
đường bán kính của trái đất mà thôi. Khoa học lại không ngừng được hoàn
thiện, luôn có một lý thuyết mới đánh đổ lý thuyết cũ. Cho đến thời của
Fourier, mọi người vẫn tưởng nhiệt độ khoang không vũ trụ giữa các hành
tinh cứ giảm mãi, nhưng đến nay người ta lại biết nhiệt độ thấp nhất của
những vùng có ête không quá bốn, năm mươi độ dưới không! Tại sao nhiệt
độ trong lòng đất lại không thể biểu diễn tương tự như vậy được? Tại sao ở
một độ sâu nào đó, nhiệt độ lại không thể dừng ở một giới hạn cực đại?
Những vấn đề chú tôi nêu ra hoàn toàn là những giả thuyết, nên tôi đành
phải im lặng. Chú tôi nói tiếp:
- Chú nói cho cháu rõ, nhiều nhà khoa học thực thụ đã chứng minh nếu
trong lòng trái đất tồn tại một nhiệt độ hai triệu độ thì những vật chất nóng
chảy sẽ dãn nở một cách khủng khiếp tới mức vỏ trái đất không chịu nổi sẽ
nổ tung ra như thành của cái nồi hơi dưới tác dụng của khí nén.
- Thưa chú, chẳng qua đó cũng là những ý kiến chủ quan mà thôi.
- Không phải là ý nghĩ của riêng chú mà là của nhiều khoa học gia khác
nữa. Cháu còn nhớ năm 1825 ông Humphry Davy là một bác học nổi danh
có ghé thăm chú không?
- Dạ, cháu đâu biết. Bởi vì mười chín năm sau đó cháu mới được sinh ra
đời.
- À, Humphry Davy nhân có dịp đi qua Hambourg nên ghé thăm chú.
Ông ấy và chú đã thảo luận rất lâu về cấu tạo của lòng trái đất. Cả hai đều
đồng ý là nó có cấu tạo bằng chất rắn.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Vì sao ma chú nghĩ như thế?
- Vì nếu là chất lỏng thì nó phải chịu ảnh hưởng của mặt trăng, mặt trời
nghĩa là phải có thủy triều như ở biển và nếu vậy thì phải có động đất liên
miên.