khó đọc.
- Thế nào Axel? - Chú tôi gật gù hỏi. – Cháu không thấy gì sao? Đây là
một kho tàng vô giá chú vừa tìm thấy sáng nay, khi lục lọi trong một tiêm
sách cũ.
- Tuyệt thật! – Tôi kêu lên, giả vờ như nhiệt tình lắm. Nhưng nói thẳng
ra thì tôi chẳng thích thú chút nào đối với quyển sách bọc bìa da cũ kỹ này.
- Xem đây này! – Chú tôi hỏi rồi tự trả lời một mình – Đẹp quá phải
không? Chứ còn gì nữa. Mở ra dễ không? Tất nhiên là vậy. Thế đóng lại thì
sao? Thì đóng lại ngon lành. Coi cái gáy nè, đã hơn bảy trăm năm rồi mà
không hề bị hư hỏng!
Vừa nói chú tôi vừa đóng và mở quyển sách. Tôi thấy đã đến lúc phải
hỏi thăm ông về quyển sách, mặc dù tôi chẳng quan tâm nó lắm.
- Thưa chú quyển sách đó tựa gì vậy? – Tôi hỏi với một vẻ hăng hái quá
đáng.
- Đây là quyển Heims Kringla nổi tiếng. – Chú tôi trả lời bằng một giọng
hào hứng. - Nó do Snorre Turleson, một tác giả lừng danh người Iceland
viết vào thế kỷ thứ mười hai. Quyển sách viết về ông hoàng người Na Uy
từng trị vì ở xứ Iceland.
- À, thì ra là như vậy. – tôi hỏi – Chắc tác phẩm này đã được dịch ra
tiếng Đức phải không chú?
- Sao lại bằng tiếng Đức! – chú tôi gầm lên – Nếu là bản dịch thì chú
mua làm gì cho uổng tiền. Đây là quyển sách xuất bản đầu tiên ở Iceland và
được viết bằng cổ tự.
- Chắc nó được in ấn công phu lắm?
- Sao lại in? Đây là một quyển sách viết bằng chữ Runique, hiểu chưa?
- Chữ Runique?
- Đúng vậy. Nhưng chắc chú cần phải giải thích cho cháu nghe quá.
- Không cần thiết đâu. – tôi trả lời với một giọng khá tự ái.
Nhưng chú tôi cứ lờ đi và thao thao bất tuyệt giảng cho tôi rất nhiều điều
mà tôi không cần thiết phải quan tâm học hỏi.
- Chữ Runique là một cổ tự được dùng ở Iceland từ rất xa xưa. Theo
truyền thuyết thứ chữ này do ông Odin phát minh ra. Cháu hãy nhìn xem…