V
Khóc mẹ ta là khóc tuổi thơ ấu của ta. Con người muốn có thời thơ ấu,
muốn có lại thời thơ ấu, và nếu có ai yêu mẹ mình hơn khi tuổi tác càng cao
thì bởi vì mẹ chính là tuổi thơ ấu của mình. Tôi đã từng là một đứa trẻ, tôi
không còn là đứa trẻ nữa. Chợt tôi nhớ lại cái ngày chúng tôi đến Marseille.
Lúc đó tôi lên năm, khi xuống tầu, bám vào chiếc váy của mẹ, tôi sợ những
chiếc tầu điện, những chiếc xe tự nó chạy được. Tôi yên lòng khi nghĩ rằng
phải có một con ngựa giấu bên trong. Chúng tôi không quen ai ở Marseille.
Từ hòn đảo Corfou của Hy-lạp, cha tôi, mẹ tôi và tôi đổ bộ lên đây như
trong mộng, một giấc mộng phi lý, hơi chút hài hước. Tại sao lại là
Marseille?
Người cầm đầu cuộc viễn du cũng chẳng biết gì. Ông ta nghe nói
Marseille là một thành phố lớn. Vài ngày sau khi đến đây, chiến công đầu
tiên của người cha tội nghiệp của tôi là bị một nhà doanh nghiệp tóc vàng,
mũi không khoằm lừa cho một vố. Tôi nhìn cha mẹ tôi ngồi trên mép
giường và khóc trong buồng khách sạn. Nước mắt mẹ giỏ xuống cái mũ
rơm đặt bên gối mẹ. Tôi cũng khóc mà không hiểu điều gì đã xảy ra.
Sau cuộc đổ bộ ít lâu, cha tôi đã đưa tôi vào một trường của các bà sơ
đạo thiên chúa giáo, tôi thì lo sợ và ngơ ngác vì tôi không biết một từ tiếng
Pháp nào. Tôi ở lại trường từ sáng đến tối, trong khi cha mẹ tôi thử kiếm
sống trong cái thế giới rộng lớn dễ sợ này. Đôi khi buổi sáng cha mẹ tôi
phải đi sớm đến nỗi không dám đánh thức tôi. Thế là, khi đồng hồ báo bảy
giờ, tôi phát hiện tách cà phê sữa do mẹ tôi pha, mẹ còn tranh thủ được thời
gian lúc năm giờ sáng để vẽ cho tôi một bức vẽ nhỏ thay cho một nụ hôn
của mẹ và được đặt tựa vào cái tách. Tôi hình dung những bức vẽ đó: một
con tầu chỉ cậu bé Albert tí xíu bên cạnh chiếc kẹo nu-ga to tướng dành cho