còn sống, dù cho tôi có gọi mẹ vì tất cả mọi thứ, vì chẳng gì cả, để tìm cho
tôi chìa khóa hoặc bút máy thất lạc, để nói chuyện phiếm, và mẹ luôn luôn
chạy đến, và mẹ luôn luôn tìm thấy chìa khóa hoặc bút máy, và mẹ lúc nào
cũng có những chuyện thời xưa để kể cho tôi nghe. Giờ đây tôi máy móc đi
mở cửa buồng tôi nhưng mẹ không có đằng sau cửa.
Tôi đã đuổi con chim nhỏ đến mổ trên bờ cửa sổ. Mẹ thích nhìn những
con chim mũm mĩm. Bây giờ chúng vô ích và tôi không muốn có chúng
nữa. Cái điệu nhạc này, thôi đủ rồi, tôi đã tắt đài, vì tất cả những thứ nhạc
cao quý là mẹ tôi và mắt của mẹ nhìn tôi âu yếm. Bây giờ đó là một đội kèn
đồng đi diễu ngoài phố. Những người đang sống kia, sao họ vui vậy, còn tôi
thì cô đơn biết bao. Tôi sắp làm bạn với tôi trước gương. Đó là một thứ giết
thời gian một thứ đánh lừa cái chết. Và rồi trong gương, có ai đó sẽ thông
cảm với tôi.
Tôi soi mình trong gương, nhưng lại là mẹ tôi trong gương. Tôi có một
nỗi phiền muộn nó gắn với thân thể tôi, tôi trắng nhợt và xâm xấp mồ hôi.
Trên má tôi không phải là nước mắt, sự ưu tiên cho những kẻ ít đau khổ,
nhưng là những giọt chảy từ trán xuống, những giọt mồ hôi lạnh giá của cái
chết của mẹ. Rồi bất chợt, sự thờ ơ khốn khổ, một trạng thái mất cảm giác
khốn khổ, một trò đùa khốn khổ khiến tôi đứng trước gương, máy móc tự
bóp mắt mình. Thế là tạo thành một ảo giác thị giác và tôi thấy trong gương
hai trẻ mồ côi. Cả tôi nữa là ba. Nỗi đau ít thơ mộng ít thanh cao. Làm cái
trò bóp mắt mình cho tôi một hứng thú buồn tẻ để sống, một thứ giả vờ
quan tâm đến cái gì đó. Ăn một cái bánh ngọt để làm gì? Không tôi muốn
những cái bánh của mẹ. Tôi chỉ còn một cái gương và sự lầm lạc của tôi mà
tôi soi trong đó, tôi mỉm cười mà soi để có được nỗi thèm giả vờ sống, vừa
lầm bầm với một nụ cười hơi điên dại rằng mọi việc đều ổn, thưa hầu tước
phu nhân, và rằng tôi nguy mất. Đó là một phát hiện của tôi. Ta đùa vui một
chút với vận rủi.