nhà máy mới xây dựng đổ như mưa rào xuống những ngôi nhà
trắng. Ban đêm, các lò luyện rực đỏ và búa máy còn xình xịch
mãi sau khi dân thành phố đã ngủ yên. Những nơi năm ngoái
còn là đất trống, giờ đây đã mọc lên những nhà máy làm yên
cương, đồ thắng đái, giầy, những binh công xưởng sản xuất
súng nhỏ, súng lớn, những nhà máy cán và xưởng đúc cho ra
những đường rầy sắt và toa hàng để thay thế những toa bị bọn
Yankees phá hủy, và hàng loạt cơ sở làm đinh thúc ngựa, hàm
thiếc, khóa thắt lưng, lều, khuy, súng ngắn và gươm. Các xưởng
đúc đã bắt đầu thấy thiếu sắt vì thứ kim loại này không hoặc ít
lọt được qua hàng rào phong tỏa, còn các mỏ ở Alabama thì hầu
như đình trệ vì các thợ mỏ ra mặt trận cả. Ở Atlanta, giờ đây
không còn thấy hàng rào sắt, giàn sắt ngồi hóng mát trong
vườn, cổng sắt và thậm chí tượng sắt trên các bãi cỏ, vì chúng
đã mau chóng đi vào nồi nấu của các nhà máy cán.
Dọc theo phố Cây Đào và những phố gần đó, là trụ sở các ban,
cục khác nhau của quân đội đầy những người vận quân phục,
nào hậu cần, nào thông tin, bưu điện, nào vận tải đường sắt,
nào văn phòng tư lệnh hiến binh. Ở vùng ven là những trạm
ngựa bổ sung tại đó lừa ngựa chạy vòng quanh trong những bãi
quây rộng. Dọc những phố ngang là các bệnh viện. Nghe bác
Peter kể về những bệnh viện này, Scarlett có cảm giác như
Atlanta là một thành phố của thương binh, vì ở đây có vô số:
bệnh viện tổng hợp, bệnh viện lây, bệnh viện điều dưỡng và
hằng ngày, các chuyến tàu ngang mé dưới Ngã Năm lại đổ thêm
người ốm và bị thương.
Cái thị xã nhỏ bé đã biến mất và bộ mặt của cái thành phố
lớn nhanh vùn vụt này rộn lên một năng lượng sôi động không
dứt. Cảnh tấp nập khẩn trương ấy khiến Scarlett, vừa ra khỏi
cảnh sống an nhàn và yên tĩnh của nông thông, đến gần như
đứt hơi, nhưng nàng vẫn thấy thích. Ở đây có một không khí