nhà bà cô Pittypat và ai nấy đều nghĩ nàng phải bằng lòng với
số phận mình. Ngực nàng trắng hơn, eo nàng thon hơn, chân
nàng nhỏ hơn so với bất kỳ cô gái nào có mặt ở đây, nhưng mặc
dầu thế, sự tình vẫn chả khác nào nàng đã nằm cạnh Charles
dưới tấm bia khắc dòng chữ “và người bạn đời yêu dấu”.
Nàng không còn là một cô gái được tự do nhảy nhót và lả lơi
đưa tình, cũng chẳng phải là một thiếu phụ có chồng có thể
ngồi cùng với những bà vợ khác mà bình phẩm những cô gái
nhảy nhót và lả lơi đưa tình. Và nàng chưa đến tuổi là một quả
phụ. Quả phụ đáng ra phải già…già ghê gớm đến độ không
muốn khiêu vũ, không muốn tán tỉnh, không muốn được
ngưỡng mộ nữa. Ôi, bất công thay, nàng phải đoan trang ngồi
đây, giữ trọn cái tiết hạnh của người quả phụ giữa lúc mới mười
bảy tuổi hơ hớ! Bất công thay, nàng phải luôn luôn hạ thấp
giọng và e lệ cụp mắt xuống khi có những chàng trai đầy sức
quyến rũ đến quầy của mình!
Tất cả các cô gái ở Atlanta đều có đàn ông vây quanh. Ngay
cả những cô gái xấu xí nhất cũng làm bộ làm tịch như thể mình
là giai nhân…và, ôi, tệ nhất là họ lại diện những bộ cánh đẹp ơi
là đẹp!
Còn nàng đây thì ngồi như con quạ trong chiếc áo dài đen
trùm xuống tận cổ tay, cúc cài đến tận cằm, chẳng có li đăng ten
hay dải viền nào gọi là, chẳng có đồ trang sức nào khác ngoài
chiếc trâm bằng mã não của bà Ellen, phải, ngồi trơ mắt nhìn
những cô ả xấu kinh, nhũng nhẵng bám vào cánh tay những
chàng trai tuấn tú. Tất cả chỉ vì Charles Hamilton đã lâm bệnh
và thậm chí cũng không chết trong vinh quang chiến trận như
một anh hùng để nàng có thể hãnh diện về chồng.
Lên cơn nổi loạn, nàng ngang ngạnh chống khuỷu tay trên
quầy nhìn đám đông, bất chấp lời Mammy luôn dặn dò không
được chống khuỷu tay, làm chúng nhăn nheo và xấu đi. Dào,
khuỷu tay xấu đi thì có quan trọng gì? Có lẽ nàng chả bao giờ