Nếu cái vốn học thức Gerald mang theo sang Mỹ có còm cõi
thì anh cũng chẳng hay biết. Và giả dụ có ai bảo cho anh biết
thế, anh cũng bất cần. Mẹ anh đã dạy cho anh đọc thông, viết
thạo và anh cũng khá về toán. Tri thức sách vở của anh dừng lại
ở đấy. Vốn tiếng La tinh duy nhất của anh là những câu trả lời
kinh Misa và kiến thức lịch sử duy nhất là những bất hạnh
nhiều bề của đất nước Ireland. Anh chẳng biết gì về thi ca ngoài
thơ của Moore
và chẳng nghe thứ âm nhạc nào khác ngoài
những ca khúc của Ireland truyền từ đời này qua đời khác. Mặc
dầu rất kính trọng những người có học vấn hơn mình, anh vẫn
không bao giờ cảm thấy sự thất học của mình là một thiếu sót.
Với lại anh cần gì đến những thứ đó trên một vùng đất mới mà
ở đấy những anh chàng Ireland dốt nát nhất cũng làm nên cơ
nghiệp lớn? Trên cái vùng đất chỉ đòi hỏi con người phải khỏe
và không sợ lao động này?
Cả James và Andrew khi lấy Gerald vào làm ở cửa hàng của
mình ở Savannah cũng không hề hối tiếc vế sự thất học của chú
em. Chữ viết rành rọt, đẹp đẽ, khả năng tính toán chính xác và
tài kinh doanh buôn bán khôn ngoan của Gerald buộc hai ông
anh phải kính nể; giả dụ chàng trai trẻ Gerald có thông hiểu văn
học và am tường âm nhạc, thì ở đây, kiến thức đó chỉ khiến họ
khịt mũi khinh bỉ mà thôi. Nước Mỹ vào những năm đầu thế kỷ
đã ân cần cưu mang những người Ireland: James và Andrew
bước đầu lập nghiệp bằng việc vận chuyển hàng hoá trong
những xe goòng phủ bạt từ Savannah đến những tỉnh nội địa
miền Georgia, đã phát đạt lên, mở được cửa hàng riêng và
Gerald cũng phất lên với họ.
Gerald thích miền Nam và chẳng bao lâu, trong ý thức anh
đã trở thành một người miền Nam thực thụ. Có nhiều cái ở
miền Nam - cũng như ở những người miền Nam - mà anh hẳn
không bao giờ có thể hiểu nổi, song bản chất vốn toàn tâm toàn