Khi tôi viết những dòng này, người ta đang tranh cãi nhau về việc liệu tự do
của nền văn minh khai sáng phương Tây có bị suy yếu vì các chính sách can
thiệp cần thiết để chống lại chủ nghĩa cơ yếu
hay không.
Liệu dân chủ – về cơ bản là nhóm đa số – có thể dung thứ cho các kẻ thù của
mình hay không? Câu hỏi được đặt ra là: “Bạn có đồng ý từ chối quyền tự
do ngôn luận đối với các đảng phái chính trị có chủ trương ngăn cấm quyền
tự do ngôn luận không?” Chúng ta hãy tiến thêm một bước nữa: “Liệu một
xã hội đã lựa chọn thái độ dung thứ có nên không dung thứ cho những thái
độ không dung thứ hay không?”
Đây chính là điểm không nhất quán trong Hiến pháp Mỹ mà Kurt Godel
(bậc thầy về logic) đã phát hiện ra khi ông tham gia kỳ thi sát hạch để nhập
tịch nước này. Người ta kể lại rằng Godel đã tranh cãi với vị thẩm phán, và
Enstein, người đi cùng ông với tư cách nhân chứng, đã cứu Godel thoát khỏi
rắc rối đó. Nhà triết học khoa học Karl Popper, một cách độc lập, cũng phát
hiện ra sự thiếu nhất quán tương tự trong các hệ thống dân chủ.
Tôi từng có lần viết về chuyện những người có khiếm khuyết về logic hỏi tôi
rằng liệu có nên “hoài nghi chủ nghĩa hoài nghi” hay không; tôi đã đưa ra
câu trả lời tương tự như Popper khi được hỏi “liệu có thể giả mạo sự giả
mạo” hay không. Tôi quay đi.
Chúng ta có thể trả lời những câu hỏi này bằng nguyên tắc thiểu số. Đúng
vậy, một nhóm thiểu số cố chấp có thể điều khiển và tiêu diệt nền dân chủ.
Thực ra, cuối cùng nó sẽ tiêu diệt cả thế giới.
Do vậy, chúng ta cần phải giữ thái độ không khoan nhượng đối với một số
nhóm thiểu số cố chấp. Đơn giản bởi vì họ đã vi phạm Nguyên tắc Bạc.
Không thể sử dụng “các giá trị Mỹ” hay “các nguyên tắc của phương Tây”
để đối xử với hệ tư tưởng Salafi không khoan nhượng (vốn phủ nhận quyền
tự do tín ngưỡng của người khác). Và hiện nay, phương Tây đang đi trên
một con đường tự sát.