trời chỉ có một chim ưng. Nó bay cao hơn cả, xa hơn cả, nhưng nếu trên trời
có nó thì người nào bước ra khỏi nhà cũng sẽ nhìn thấy nó đầu tiên. Nó làm
cho người ta chú ý chính là vì nó bay cao hơn cả, bay xa hơn cả. Sau đó
người ta mới nhìn thấy những con chim sẻ đang đậu trên bụi cây cách cửa
chừng năm bước.
Nhưng không phải vì thấy chim ưng mà thành chim ưng được đâu! Nhà
văn viết về người anh hùng không tự biến thành người anh hùng. Tôi biết
nhiều người nhát gan lại nổi tiếng về những bài thơ ca ngợi lòng dũng cảm,
Nếu người con dũng cảm của miền đất núi là Makhát Đakhađaép sống lại
thì anh sẽ nói gì với nhà “học giả” viết luận văn về anh?
- Sao anh lại dám kể lại cuộc đời anh dũng của tôi, nếu anh không dám
bảo vệ lấy một dòng nào của anh trước nhà biên tập cả? Nhà biên tập nào
cũng có thể thay đổi ý kiến của anh về tôi nếu người ta muốn, mà anh thì
chẳng dám hé môi phản đôi. Không, anh không xứng đáng để viết luận văn
về một người như Makhát Đakhađaép, - đấy, người con dũng cảm của núi
rừng có thể sẽ nói như vậy nếu ông chui được lên từ dưới nấm mồ.
Có người tưởng rằng cứ bắt tay vào viết một đề tài vĩ đại là trở thành
người vĩ đại. Nhưng cái vĩ đại lại nằm ở sự giản dị, trong một hạt mưa rơi
ẩn náu một trận hồng thủy. Sự khác nhau giữa người vĩ đại và kẻ tầm
thường là ở chỗ: kẻ tầm thường chỉ nhìn được những sự vật, những hiện
tượng thật lớn, thật to mà không thấy được gì ở dưới mắt mình. Còn người
vĩ đại thì nhìn được cả cái lớn, cái nhỏ, và ngay trong cái nhỏ cũng tìm thấy
một điều gì lớn mà chỉ ra cho mọi người biết.
Hồi ức. Đôi khi xẩy ra điều thế này: nhà văn có tài thì buồn rầu, còn nhà
văn bất tài thì vênh mặt lên mà đi lại. Điều đó xảy ra khi người ta chỉ đánh
giá tác phẩm theo thiện ý của tác giả thôi, tài năng của người viết ra sao,
nghệ thuật cuốn sách thế nào - đều không được chú ý thích đáng. Trong
hoàn cảnh ấy, người ban phát lời khuyên nhiều hơn người được khuyên,
người định giá hàng nhiều hơn hàng, kẻ ba hoa nhiều hơn nhà văn.