Một thời gian dài không thấy Kurbanali đến nhà - chắc là ông ta đã đi các
làng để tìm kiếm. Thư báo dạo ấy ông ta giao cho con trai phát. Khi chàng
rể bất hạnh lại xuất hiện ở nhà tôi, chúng tôi sốt ruột hỏi:
- Thế nào, việc đến đâu rồi? Đường anh đi có thẳng, có ngắn không?
- Lẽ ra thì nó đã thẳng đấy, nhưng Đalagôlốp đã bẻ cong nó.
- Thế là thế nào?
- Rất đơn giản thôi. Bất cứ chỗ nào tôi đến vì chuyện của tôi, người ta
đều trả lời: ông đến chậm rồi, Đalagôlốp cũng đã đến vì chuyện ấy rồi.
Đarbis Đalagôlốp là một chàng Đông Gioăng nổi tiếng của người Avar.
Năm 1938, Đarbis đã lấy vợ lần thứ 18.
Từ câu chuyện của người đưa thư Kurbanali mà vùng Đaghextan có thêm
câu thành ngữ: “Đalagôlốp cũng đã đến vì chuyện ấy rồi”.
Câu chuyện thứ hai là về một anh ngốc. Mọi người biết rằng, mỗi làng
đều có một anh ngốc. Thế là tốt. Nếu nhiều anh ngốc quá thì thật không
nên, nhưng nếu không có anh ngốc nào thì cũng thiêu thiếu một cái gì.
Những anh ngốc đều biết nhau rất rõ và thậm chí còn đi thăm nhau. Theo
tục lệ đó, có lần, một anh ngốc ở làng Gortakôlư đến thăm anh ngốc ở làng
Khunzắc.
- Chào anh ngốc!
- Kính chào anh ngốc!
Tiểp đó mọi chuyện diễn ra như giữa hai người bạn. Họ ngồi gần bếp lò,
ăn uống vui vẻ. Đến ngày thứ ba anh ngốc ở làng Gortakôlư sửa soạn ra về.
Anh ngốc chủ nhân tiễn khách với đầy đủ nghi thức, tặng quà cho khách,
rồi tiễn ra khỏi làng. Hai anh ngốc chia tay nhau.
Tục lệ mến khách đã được giữ đúng. Chỉ cần khách rời khỏi một bước là
có thể tha hồ muốn làm gì anh ta thì làm, bởi vì anh ta không còn là khách
nữa. Ngay lúc đó anh ngốc làng Khunzắc liền nhảy bổ đến anh kia và thụi
luôn anh ta một quả.