Bố tôi không dựng lâu đài tình yêu. Mà ông cũng chẳng lo tới chuyên
phải dựng nó. “Lâu đài” của ông, mối lo của ông - những gì chất chứa trong
thơ ông - đó là cái nhà, gia đình, con cái, làng bản, ngựa, đất nước, hòa bình
và ruộng đất, bầu trời, cơn mưa, mặt trời, cỏ cây.
Đúng ra, có một lần ông làm một bài thơ tình về người đàn bà ông yêu.
Nhưng để không ai đọc được bài thơ đó, ông đã viết bằng tiếng Ả Rập. Đó
là bài thơ viết riêng cho người yêu, riêng cho ông.
Phải rồi, bố tôi ưa thích hơn cả là câu chuyện kể từ tốn, thông minh. Buổi
tối, khi mặt trời vừa lặn, bố tôi thường đặt tôi ngồi lên đùi, lấy vạt áo dày
ấm thơm thơm choàng qua người tôi, rồi bắt đầu kể chuyện và kể rất lâu.
Ông kể về những người đi đến những miền xa lạ và những người ở lại quê
hương. Ông kể về những con đường, những dòng sông, về những bông hoa
nở và vì sao đàn ong lại đến. Ông kể về mặt trời đỏ mọc lên rồi lặn đi thế
nào. Ông kể về những phong tục, tập quán cổ xưa, những lời câu nguyện
trước khi bước vào trận đánh.
Chi cần nhìn lên trời, ông cũng có thể biết ngày maỉ mưa hay nắng. Ông
biết rằng nếu chung quanh đều mưa mà làng Têlét lại nắng thì có nghĩa là
có mưa đá trên cao nguyên Khunzắc.
Ông kể cho tôi nghe một bông lúa có bao nhiêu hạt và vì sao cầu vồng
rực rỡ hiện lên.
Nếu từ xa thấy một người bộ hành đi từ làng này qua làng khác, bố tôi có
thể kể rõ người đó là ai, vì chuyện gì phải lên đường, buổi tối sẽ ngủ lại nhà
ai...
Mà việc gì lại phải kể tất cả những chuyện đó cho tôi! Tốt hơn hết là ghi
lại trên giấy. Đấy có thể đã là văn xuôi của ông, văn xuôi của nhà thơ
Gamzát Xađax.
Chuyện kể và cuộc đời đối với ông là một. Ông cho sự suy nghĩ là
chuyện kể và chuyện kể là sự suy nghĩ. Còn thơ thì ông ví với trái tim mỗi
lúc đập một nhịp.