Tốt hơn hết, bố tôi tự mình ghi lại những chuyện ông đã kể. Bởi vì đằng
nào khi tôi lớn lên, trái tim tôi vẫn đi trước. Khi có con chim bay ngang
qua, tôi chẳng hề nghĩ nó bay đi đâu và vì sao, tôi chỉ muốn bắt được nó lúc
đang bay. Dù bố tôi có cố công đến thế nào, bài hát ru duy nhất của mẹ hỏi
nhỏ tôi vẫn yêu thich hơn tất cả những chuyện kể của bố tôi.
Với bài ca, tuổi thơ của tôi đã trôi qua; với bài ca, tôi đã sống những năm
trẻ trung; với bài ca, tôi đã trưởng thành; cũng với bài ca đầu tôi đã bạc.
Nhưng bây giờ tôi đã hiểu, dù tôi phiêu bạt tận đâu, dù tôi đã hát những
bài ca nào, bao giờ cũng có vách đá chờ chim ưng tới đậu, bao giờ cũng có
ngọn cây chờ chim đến kết tổ, bao giờ cũng có ngôi nhà chờ khách gõ cửa,
và có văn xuôi đang chờ nhà thơ đến với nó.
Và đây, tôi đã đậu xuống vách đá chờ tôi, đã gõ vào cánh cửa ngôi nhà sẽ
mở đón tôi bước vào. Tôi hiểu rằng tôi không thể nói ra bằng thơ tất cả
những gì tôi đã thấy trên trái đất, tất cả những gì tôi đã cảm, đã nghĩ.
Tôi hiểu rằng văn xuôi không phải là bài ca có thể đứng mà hát được.
Cần phải ngồi xuống cạnh bàn, xắn tay áo lên, cần phải vặn chuông đồng hồ
báo thức thật sớm, cần phải pha chè thật đặc để khỏi ngủ thiếp đi trong
đêm.
Nếu xây móng thật chắc và biết dựng dàn giáo thật chắc thì việc dựng
nhà sẽ trót lọt. Đây sẽ là gì - là truyện ngắn, truyện vừa, truyện cổ tích,
truyện hoang đường, tùy bút, suy tư hay chi là bài báo - Tôi cũng không
biết.
Có thể có những nhà biên tập, nhà phê bình nói với tôi rằng không phải
tôi đã viết tiểu thuyết, truyện cổ tích, truyện vừa mà cũng chẳng biết tôi đã
viết ra cái gì. Một vài nhà biên tập, nhà phê bình khác lại có thể nói rằng
đây vừa là thể loại đầu vừa là thể loại thứ hai, thứ ba, thứ năm và thứ mười
nữa.
Tôi cũng không phản đối. Các bạn cứ việc gọi tùy thích những gì tôi đã
viết. Tôi không viết theo những quy cách sách vở đã định, mà viết theo