Cụ đã hát trong đám cưới của cháu, lúc thỉ gảy đàn, lúc thì rung trống,
Những bài hát của cụ rất hay. Bây giờ cụ sẽ hát bài gì, khi cụ bế trên tay
đứa bé của cháu?
- Hỡi thiếu phụ! Cô là mẹ nó, cô sẽ đưa nôi và hát cho nó nghe. Rồi sau
đó chim chóc và các dòng sông sẽ hát cho nó. Những thanh kiếm và viên
đạn cũng sẽ hát cho nó. Bài hát hay nhất nó được nghe sẽ là bài hát từ
miệng người con gái sau này nó yêu.
- Vậy thì cụ hãy đặt tên cho nó đi. Hãy để cho cháu, là mẹ nó, để cho cả
làng này và cả Đaghextan nghe thấy cái tên cụ đặt cho nó.
Ông lão nâng bổng tôi lên phía trần nhà và dõng dạc nói:
- Tên con gái cần phải giống ánh sáng các vì sao hay giống bông hoa
mềm mại. Tên con trai cần phải chung đúc âm thanh của những thanh kiếm
và sự uyên thâm của các cuốn sách. Khi đọc các sách ta đã biết nhiều tên, ta
đã nghe thấy nhiều tên trong âm thanh của kiếm. Những cuốn sách của ta và
thanh kiếm của ta thì thào mách bảo ta rằng tên gọi đó là RAXUN.
Ông lão trông giống nhà tiên tri ấy ghé sát một bên tai tôi và thì thầm:
“Raxun”. Sau đó, cụ ghé sát xuống tai kia và kêu to: “Raxun!” Tiếp đấy cụ
trao lại tôi đang khóc cho mẹ, và hướng về phía mẹ, hướng về mọi người
ngồi trong nhà, cụ nói:
- Đây, Raxun đây!
Những người ngồi trong nhà im lặng đồng ý tên đặt cho tôi. Các ông già
nghiêng bình rót rượu, đưa tay vuốt ria mép, vui vẻ cười ha há.
Có hai thứ người dân miền núi cần giữ gìn: đó là cái mũ và cái tên. Có
thể có cái mũ rất nặng. Cái tên cũng vậy. Hóa ra là cụ già râu tóc bạc phơ
kia, người đọc nhiều sách và đi khắp thề gian, đã đem lại ý nghĩa và sứ
mạng cho tên tôi.
Raxun trong tiếng Ả Rập có nghĩa là “sứ giả”, hay đúng hơn là “người
đại diện”. Vậy thì tôi là sứ giả của ai, là đại diện cho ai?