Abutalíp: Tiếng đó chính tôi cũng không biết. Hôm qua tôi có gặp
Ađanlô Aliép và nói chuyện với ông. Hôm qua ông ấy nói tiếng Avar. Tôi
không biết sao lại có chuyện như vậy xảy ra. Xin bạn đừng lo, đó chỉ là
chuyện sơ xuất thôi.
Câu hỏi: Ở nước Mỹ chúng tôi cũng cần có rất nhiều dân tộc và ngôn
ngữ. Nhưng tiếng nói chủ yếu tiếng nói chính thức của quốc gia là tiếng
Anh. Tiếng Anh được dùng trong mọi công việc giao dịch, giấy tờ. Còn ở
nước các ông thì sao? Thứ tiếng nào là chính?
Abutalíp: Đối với mỗi người thì tiếng nói chính là tiếng mẹ đẻ của người
đó. Ai không biết yêu những ngọn núi của mình, kẻ đó không thể yêu
những đồng bằng xa lạ. Nếu trong nhà mình không thấy hạnh phúc, làm sao
có thể tìm được hạnh phúc ở ngoài đường. Kẻ nào khinh rẻ mẹ mình thì sẽ
khinh rẻ mọi phụ nữ khác. Năm ngón tay trên một bàn tay ngón nào cũng là
chính cả khi cần phải nắm đốc kiếm hay đưa tay ra bắt tay bè bạn.
Câu hỏi: Tôi có đọc một trường ca của Mutalip Mitarốp. Trong đó ông
khẳng định rằng ông không phải là người Avar, người Tát, người Tabaxaran
mà là người Đaghextan. Ông có ý kiến gì về ý đó?
Abutalíp: (đưa mắt tìm Mitarốp). Anh Mitarốp, từ lâu tôi đã biết rằng anh
không phải là người Avar, không phải người Kumức, người Tát, người
Nôgai, người Lêzghin. Nhưng riêng điều rằng anh không phải là người
Tabaxaran thì đến hôm nay tôi mới biết. Vậy thì anh là ai mới được chứ?
Có thể ngày mai anh sẽ viết rằng anh chẳng phải là Mutalip, cũng không
phải la Mitarốp. Đây, như tôi chẳng hạn, tôi là Abutalíp Gaphurốp. Tôi thứ
nhất là con người Lắc, thứ hai là người Đaghextan, và cuối cùng dân tộc tôi
là dân tộc Lắc. Những cái đó không thể tách bạch được trong tôi. Đó là gia
sản quý báu nhất của tôi. Tôi không muốn từ bỏ bất cứ danh hiệu nào trong
số đó. Tôi sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ những cái đó.
Câu hỏi: (phóng viên từ Cộng hòa dân chủ Đức) Đây, tôi có trong tay
quyển sách của đồng chí Alikisưép, phó tiến sỹ y khoa. Cuốn sách có nhan
đề là: “Hiện tượng sống lâu ở Đaghextan”. Trong cuốn sách đó, ông viết về