các cụ già sống trên trăm tuổi và chứng minh rằng Đaghextan đứng đầu
Liên Xô về tỷ lệ người sống lâu. Nhưng sau đó ông khẳng định tiếp rằng ở
Đaghextan đang diễn ra quá trình các dân tộc xích lại gần nhau và đã có
những triển vọng để xây dựng một dân tộc duy nhất ở Đaghextan. Ít năm
nữa có thể là cả người Avar, người Đarghin, người Nôgai sẽ coi mình là
người Đaghextan và sẽ viết như thế trong tấm chứng minh thư của mình.
Tôi còn đọc các bài báo của một nhà học giả nước các bạn khẳng định
rằng nền văn học ở đây đang phá vỡ ranh giới dân tộc để trở thành nền văn
học chung của cả Đaghextan.
Bởi vì các phó tiến sỹ và các tiến sỹ khoa học đã nêu lên những vấn đề
như vậy trong các bài báo, cuốn sách của mình, thế có nghiax là những vấn
đề ấy là quan trọng và sâu sắc có phải không?
Abutalíp trả lời: Tôi cũng có biết đồng chí Alikisưép. Ông là người vùng
tôi. Nhà học giả này đã gặp nhiều cụ già để nghe các cụ kể lại cuộc đời
mình. Nhưng ý tưởng xây dựng một dân tộc duy nhất chắc không phải là do
ai đó trong số các cụ già đáng kính kia mách bảo ông. Đó là sản phẩm của
chính đầu óc ông ấy thôi. Tôi cũng đã từng thấy nhiều ông “Mitsurin” như
vậy những người trong “phòng thí nghiệm” của mình có đủ thứ giống lai
tạo bằng cách ghép các thứ tiếng khác nhau, thực hiện những thí nghiệm đủ
kiểu như người ta vẫn làm với thỏ, chuột bạch. Người ta đã định gộp bẩy
nhà hát các dân tộc Đaghextan khác nhau thành một nhà hát. Người ta cũng
đã định thống nhất nhiều Phân hội nhà văn của chúng tôi thành một, nhưng
việc làm đó khác nào việc định biến cây nhièu cành thành cây chỉ có thân
thẳng đứng.
Câu hỏi: Tôi là phóng viên một tờ báo Ấn Độ. Bên Ấn Độ cũng có nhiều
thứ tiếng: tiếng Hinđi, tiếng Urđu, tiếng Bengali…Một số người có đầu óc
dân tộc hẹp hòi muốn chính thứ tiếng của mình được làm thứ tiếng nói quốc
gia chính thức trên khắp nước Ấn Độ. Người ta đã tranh cãi nhau về chuyện
đó và thậm chí còn xung đột bắn giết nhau nữa. Ở nước các bạn có chuyện
tương tự như thế không?