Nhưng bài ca đã giống những thanh gươm. Chúng chạm vào nhau trên
không trung tóe lửa. Đaghextan rỉ máu đang hát về cảnh đầu rơi máu chảy,
về các chàng dũng sỹ, về những đôi mắt bị quạ rỉa, về tiếng ngựa hí, dao
găm khua, về con ngựa trở về nhà mình không còn chủ nhân - chủ nhân đã
nằm lại ngoài bãi chiến trường.
Và những lúc bài ca hiểu nhau, những lúc người bờ bên này hiều bài hát
bờ bên kia, thì súng sẽ ngừng nổ, gươm dao sẽ ngừng khua, máu thôi đổ,
bàn tay định vung lên trả thù sẽ hạ xuống và trong trái tim tình yêu sẽ đến
thay cho sự hằn thù.
Trong trận đánh bên dòng suối Valêrích một người lính của Samin là
Mônla-Mahômét vì bị thương đã bị quân Nga bắt làm tù binh. Ở làng mọi
người đã khóc anh, coi anh như người đã chết. Nhưng một tháng sau anh lại
trở về mạnh khỏe. Mọi người ngạc nhiên xúm lại hỏi anh vì sao mà thoát về
được. Điều này làm anh hơi bực mình, anh nói:
- Đừng nghĩ rằng Mahômét này đã thoát ra được là nhờ nịnh nọt hay dối
trá gì đâu. Tôi không phải là đứa nhát gan.
- Chúng tôi đều biết anh là một chiến sỹ dũng cảm.Chắc anh đã lấy kiếm
để mở đường về.
- Lúc ấy tôi không có kiếm. Mà nếu có cũng chẳng giúp ích gì
- Thế thì làm sao anh thoát được?
- Bọn chúng tống tôi xuống nhà hầm. Ngoài cửa là tấm khóa to tướng
- Thế rồi, ở đấy anh cảm thấy sao?
- Như con bò rừng bị mắc bẫy chứ còn sao nữa. Nhưng trong nhà hầm ấy
tôi bỗng nhớ bài hát về chàng Ali, người bị mấy anh em thâm độc bỏ lại
trên vách đá cao. Tôi hát bài hát đó lên. Sau đó tôi lại hát tiếp các bài khác.
Tôi hát về những đàn chim mùa xuân bay đến, những đàn sếu mùa thu bay
đi, hát ề chú nai rừng chín lần bị người đi săn kém cỏi bắn bị thương, về
mùa thu, mùa đông. Tôi còn hát những bài xưa nay chưa từng ai hát. Ba