Anh biết anh ta chơi hay đến thế nào không, Raxun? Không bao giờ trong
đời này tôi có thể quên được tiếng đàn của anh ta. Rơm vẫn cháy trong bếp
lửa. Thỉnh thoảng nó bừng sáng lên soi rõ ánh mắt chúng tôi. Đôi lúc nước
mắt trào ra trong khóe mắt chúng tôi. Tôi để cây đàn ở nhà người Avar và
trở về. Ngày hôm sau tôi đi vào núi tìm làng của anh ta, sau đó tìm ra cả
những kẻ thù của anh ta nữa. Tôi dẫn họ đến ngôi nhà của người bị xua
đuổi. Ban ngày họ ngồi ở nhà tôi, tối tối thì cùng tôi đến nghe tiếng đang
của kẻ thù có nợ máu kia. Chuyện cứ thế diễn ra ba đêm liền. Đến ngày thứ
tư họ thề từ bỏ ý định trả thù. Họ nói với người cùng làng từng bị đuổi đi:
“Thôi, anh trở về làng quê đi, chúng tôi tha thứ cho anh rồi”.
Khi chia tay tôi, người Avar định trả lại cây đàn viôlông cho tôi, nhưng
tôi không chịu cầm. Tôi nói: “Đằng nào thì tôi cũng không thể học chơi đàn
được như anh. Mà tôi chẳng cần cây đàn này nữa”. Từ dạo ấy, không bao
giờ tôi cầm đến cây đàn viôlông nữa. Nhưng điệu nhạc đã giảng hòa những
kẻ thù có nợ máu ấy thì tôi cũng sẽ không bao giờ quên được. Tôi thường
nghĩ rằng nếu mọi người đều có dịp được nghe tiếng đàn viôlông như thế
thì có lẽ sẽ chẳng còn ai dám gây ra điều ác, trên thế giới này có lẽ chẳng
còn sự hằn thù.
Bây giờ tôi xin kể hai câu chuyện nhỏ liên quan đến bố tôi.
Một người làng Gốtxátlin tên là Khátgi đã mở một tiệm rượu ở Khunzắc.
Anh ta mời bố tôi đến và nói với bố tôi:
- Anh là người có tiếng tăm ở miền núi. Anh hãy làm thơ về quán rượu
của tôi, nói lời hay ý đẹp về nó, để mọi người biết đến nó. Tôi sẽ không tiếc
tiền để trả ơn.
Bố tôi quả thật đã làm thơ và quả thật đã làm cho quán rượu của người
Gốtxátlin nọ trở nên nổi tiếng. Nhưng ông đã làm cho nó nổi tiếng với
nghĩa là một quán rượu bẩn thỉu, vô tích sự. Từ đó, khi thấy quán rượu và
chủ quán, mọi người đểu chỉ tay và nói: “Đấy, đấy chính là cái quán mà
Gamzát của chúng ta đã dè bỉu đấy”.