Viên chủ quán biết có những vần thơ như thế thì rất lo. Hắn ta hứa sẽ
biếu bố tôi một con ngựa với đủ yên cương với điều kiện bố tôi đừng phổ
biến rộng rãi bài thơ đó nữa. Nhưng nếu lời thơ đã vượt qua một con đèo rồi
thì nó sẽ đi qua khắp các triền núi, không thể nào giữ nó lại được. Bài thơ
bố tôi làm về anh chàng Gốtxátlin xấu số nọ ít lâu sau khắp các làng đều
biết. Đến bây giờ người ta còn lưu truyền bài thơ đó.Còn Khátgi thì đành
phải đóng cửa tiệm rượu của mình.
Có lần nhà tôi bị mất mấy mảng thịt sườn cừu phơi khô. Chẳng mong gì
lấy lại được mấy thứ đó. Nhưng bỗng khắp làng truyền đi tin đồn rằng
Gamzát đã làm xong bài hát về tên trộm, Ngay ngày hôm đó mấy tảng thịt
cừu khô ấy được vứt trả lên ban công nhà chúng tôi, mặc dầu bố tôi chưa hề
có ý định làm bài hát đó!
Giữa các cặp vợ chồng trẻ đôi khi xảy ra cãi nhau. Vào những buổi tối
như vậy, bạn bè của đôi vợ chồng, tất nhiên thường thấy hơn cả là bạn của
người chồng trẻ, đã đến dưới bên cửa sổ và bắt đầu chơi đàn trônggua.
Tiếng đàn trônggua làm cho đôi vợ chồng đương cãi nhau phải quên đi
những xích mích tủn mủn của mình.
Tôi cũng có một người bạn tốt làm nghề chụp ảnh và nhạc sỹ tên là Amin
Trutuép. Và những năm đầu tiên khi vợ chồng tôi mới lấy nhau, anh đã
thường xuyên phải chơi đàn dưới cửa sổ nhà tôi.
Amin Trutuép ơi, sao anh không cầm lấy cây đàn viôlông của mình và
bắt nó ngân vang dưới cửa sổ của thế giới này để xoa dịu và lắng yên những
điều xung khắc trong thế kỷ này của chúng ta?
Trong một lần gặp gỡ ở Chicagô, tôi đã phải tranh luận khá hăng hái với
một bạn đồng nghiệp Mỹ. Cuộc tranh luận hầu như mang tính chất quyết
liệt, không thể nào khoan nhượng. Nhưng rồi bất ngờ, vị đồng nghiệp người
Mỹ kia đọc bài thơ của người anh đã hy sinh ở Đức trong đại chiến thế giới
vừa qua. Tôi cũng đọc bài thơ của người anh đã mất ở đây trong cùng thời
gian ấy. Cuộc tranh cãi của chúng tôi lắng lại. Chỉ còn những vần thơ. Nếu