Thủ lĩnh Samin đã từng ra lệnh cho những người bị thương phải nhảy
xuống sông. Ông không cần đến người tàn phế vì họ không chiến đấu được
nữa nhưng lại vẫn phải nuôi họ.
Thời thế đã thay đổi. Trẻ em lớn lên trong sự chăm sóc của mọi người và
của các bác sỹ. Các chiến sỹ bị thương được cứu chữa băng bó. Người cụt
chân được lắp chân giả. Khi chuyện đó liên quan đến con người thì những
thay đổi đó cần phải coi là đẹp đẽ và nhân đạo.
Nhưng có phải điều đó đã xảy ra với cả những suy nghĩ què quặt, những
câu thơ ốm yếu, những tình cảm dở sống dở chết và thậm chí với cả những
bài ca đã chết ngay từ lúc mới ra đời? Tất cả đều được ghi lại trên trang
sách. Tất cả đều được cứu vãn và gìn giữ trong thư viện.
Ngày xưa người ta đã nói: “Lời nói bay đi, lời ghi ở lại”. Thế rồi không
khéo mọi chuyện lại xảy ra ngược lại!
Xin đừng nghĩ rằng tôi chê trách sách và chữ viết. Sách và chữ viết đã
như mặt trời ló ra trên núi, chiếu sáng khe sâu, xua tan bóng tối ngu dốt.
Mẹ tôi kể cho tôi nghe chuyện cổ tích về chú cáo và con chim. Chuyện
như thế này.
Trên cây nọ có một con chim. Chim có một tổ rất ấm và chắc, trong đó
chim nuôi một bầy con. Mọi chuyện đều diễn ra êm đẹp. Nhưng một hôm
cáo đến, ngồi dưới gốc cây và cất tiếng hát:
Những lèn đá này là của ta
Cánh đồng này ta là chủ
Đất đai này, ta là lãnh chúa
Cây của ta mọc trên đất của ta
Ngươi làm tổ trên cành cây kia
Hãy thanh toán cùng ta món nọ
Bằng cách trả ta một con chim nhỏ