- Thưa thủ lĩnh, sao ta phải dừng lại? - có lần Khátgi-Murát hỏi Samin -
Tim đang sôi lên, dao nhọn đang trong tay. Còn phải chờ gì nữa? Hãy mở
đường mà tiến về phía trước!
- Khoan đã, đừng vội, Khátgi-Murát, những con suối chảy xiết đâu có
đến biển được. Để ta thử hỏi sách xem sách sẽ nói với ta điều gì. Sách là vật
thông minh lắm.
- Có thể rằng cuốn sách của thủ lĩnh rất thông minh, nhưng bây giờ chúng
ta lại cần đến lòng dũng cảm. Hãy đặt nó lên đầu ngọn kiếm, hãy đặt nó lên
mình ngựa.
- Cũng có nhiều cuốn sách dũng cảm
Sách…Từng chữ, từng dòng, từng trang. Tưởng rằng đó chỉ đơn thuần là
một trang giấy. Nhưng trang giấy ấy là nhạc điệu của lời nói, là chất ngọt
ngào của ngôn ngữ, là ý tưởng. Chính là tôi đã viết lên trang giấy ấy, là
những người khác mà tôi đã viết về họ và họ đã tự viết về mình; trang giấy
ấy là mùa hè nóng bỏng, là bão tuyết mùa đông, là sự kiện hôm qua, mơ
ước ngày nay, công việc ngày mai.
Lịch sử thế giới, cũng như số phận mỗi con người nên chia thành hai
phần: trước khi có sách xuất hiện và sau khi có sách. Thời kỳ thứ nhất là
đêm, thời kỳ thứ hai là ngày rạng rỡ. Thời kỳ thứ nhất là khe núi tối tăm,
chật chội. Thời kỳ thứ hai là bình nguyên thay cho đỉnh núi cao.
“Có thể nói rằng sự ngu dốt đã là tội ác nếu vì điều đó mà lịch sử đã
trừng phạt chúng ta lâu dài và nặng nề đến thế”, - bố tôi đã nói như vậy
Hai giai đoạn, - có sách và chưa có sách. Nhưng bây giờ thì sách đến với
con người rất sớm, dưới dạng cuốn sách vỡ lòng, khi con người vừa mới bắt
đầu chập chững biết đi. Thế mà sách thì lại đến với Đaghextan khi
Đaghextan đã hàng nghìn tuổi. Đaghextan bắt đầu học đọc, học viết thật là
muộn, quá muộn.
Trước đó, đã hàng bao thế kỷ, đối với người miền cao, bầu trời đã là
trang giấy và các vì sao đã là các con chữ. Những đám mây đen sẫm đã là