Samin có một người thư kí tên là Mahômét Tagiran-Karahi. Samin không
bao giờ cho ông này đến chỗ nguy hiểm. Mahômét Tagir rất không bằng
lòng về chuyện đó. Có lần ông nói:
- Thưa thủ lĩnh, có thể thủ lĩnh không tin tôi chăng? Xin hãy cho tôi ra
chiến trường!
- Nếu tất cả đều hi sinh thì một mình anh phải sống. Chiến sĩ cầm kiếm
thì ai cũng có thể thay thế được, còn kẻ cầm bút thì không! Anh hãy viết
cuốn sách về cuộc chiến đấu của chúng ta.
Mahômét Tagir chưa viết xong cuốn sách đã mất, nhưng con trai ông đã
hoàn thành công trình của người cha. Đó là cuốn “Ánh gươm lấp lánh của
thủ lĩnh trong chiến trận.”
Bản thân Samin cũng có một tủ sách lớn. Hai mươi lăm năm liền ông
cho chở sách trên mình mười con la từ chỗ này sang chỗ khác. Không có
sách, ông không thể nào sống được. Sau này, trên núi Gunip, khi bị bắt làm
tù binh, Samin yêu cầu để lại cho ông sách và kiếm. Khi sống ở Caluga,
ông luôn luôn yêu cầu đưa sách đến. Ông nói: “Nhiều trận đánh bị thua vì
lỗi của kiếm, nhưng không có trận đánh nào bị thua vì lỗi của sách cả.”
Khi Giamalutđin từ nước Nga trở về, thủ lĩnh Samin bắt con phải mặc y
phục miền núi, nhưng sách của con mang theo thì không động tới. Với
những ai khuyên ông vứt “sách của những kẻ ngoại đạo” xuống sông, ông
trả lời: “Những cuốn sách này không bắn chúng ta trên đất nước của chúng
ta. Những cuốn sach ấy không đốt làng của chúng ta, không giết người. Kẻ
nào làm nhục sách sẽ bị chính sách làm nhục lại.”
Đến đây, tôi muốn biết: Giamalutđin đã mang những sách gì từ Pêtécbua
dạo ấy về?
Vốn không có chữ viết riêng, người Đaghextan đôi khi viết dăm ba chữ
bằng tiếng nước khác lên nôi trẻ, trên chuôi dao găm, lên trần nhà, trên bia