Xtanxki vì nhớ rằng Mắcxim Gorki đã từng gọi Xulâyman là Hôme của thế
kỉ XX. Vị giáo sư thương hại nhìn tôi và hỏi:
- Anh sinh trưởng ở đâu vậy mà thậm chí đến Ôđixê cũng không đọc?
Tôi trả lời rằng tôi lớn lên ở Đaghextan, nơi mới có sách cách đây không
lâu. Để giảm nhẹ tội lỗi của mình, tôi còn không e dè gì tự gọi mình là một
người miền núi vô học. Lúc đó, vị giáo sư bèn nói với tôi những lời không
bao giờ quên được:
- Anh bạn trẻ ạ, nếu anh chưa đọc Ôđixê thì còn lâu anh mới có thể dược
gọi là người miền núi vô học. Anh mới chỉ là một kẻ mông muội, một
người nguyên thủy!
Sau này, mỗi khi tôi ở thăm Hy Lạp hay Italia, tôi thường nhớ lại vị giáo
sư của tôi, lời nói của ông và thái độ của ông đối với văn học cổ.
Nhưng làm sao mà tôi có thể biết đến Hôme, Xôphốc, Arixtốt, Hêliốt khi
lúc ấy tôi chỉ mới bập bẹ nói tiếng Nga, đọc tiếng Nga một cách khó nhọc?
Nhiều điều trên thế giới này Đaghextan đã không hiểu được, nhiều của quí
trên đời này đã xa lạ với Đaghextan.
Tôi lại phải kể thêm chuyện bà nghệ sĩ Mắcxacôva đã khóc thế nào khi
khi nghe giọng hát của ca sĩ Tatam Murađốp. Murađốp không được học
hành gì cả, và khi đó ông đã gần sáu mươi tuổi. Mọi người tưởng rằng
giọng hát của ca sĩ đã làm bà xúc động, nhưng bà nói:
- Tôi khóc vì thương xót. Thật là một giọng tuyệt đẹp. Ông đã có thể làm
kinh ngạc cả thế giới nếu trước đây đã được học hành đến nơi đến chốn.
Còn bây giờ thì không thể được nữa rồi!
Tôi thường nhớ đến lời nói này, khi nghĩ đến số phận của Đaghextan. Lời
đó không chỉ nói về Tatam. Đã có biết bao nhiêu ca sĩ, chiến binh, họa sĩ,
đô vật nằm xuống mộ rồi mà chưa làm gì cho thế giới biết đến tài năng của
mình! Tên tuổi của họ cuối cùng không ai biết đến. Và chắc là chúng ta