cũng đã có những Saliapin, những Pốtđúpnưi của riêng mình. Chắc Ôxman
Apđurắcmanốp, vị thần Écquyn của chúng tôi, cũng đã trở thành vô địch
nếu anh ta có thêm kĩ thuật và tài nghệ. Nhưng anh ta đã không có thầy giáo
huấn luyện. Chúng ta đã không có nhạc viện, nhà hát, trường đại học, viện
Hàn Lâm và thậm chí không có đến cả trường học.
Những người kể về các thế kỉ xa xưa không có nữa rồi
Thật đáng tiếc. Nhưng chúng tôi không dừng bước.
Những câu chuyện tổ tiên chỉ kể bằng giáo mác
Thì tôi ghi tiếp bằng ngọn bút chì!
Người dân vùng cao đã không biết cầm bút trong tay, không biết viết
thành chữ. Muốn bảo giặc đầu hàng, dân vùng cao chỉ biết dơ nắm đấm ra
dọa, na ná như người Kôzắc vùng Dapôrôgiê vẫn làm. Hoặc là vẽ một hình
gì mạnh hơn thế rồi gửi cho quân giặc.
Trước đây người ta đã từng nói về Đaghextan: “Giống như một bài ca
chưa viết, chưa hát, đất nước này nằm yên trong chiếc hòm bằng đá. Ai sẽ
chiếm được nó, ai sẽ viết nên và cất tiếng hát bài ca ấy?”
Lời nói, chữ viết cuốn sách là chìa khóa khóa chiếc hòm kia. Vậy thì tay
ai đã giữ chìa khóa của ổ khóa nặng nề giam hãm hàng thế kỉ Đaghextan?
Nhiều người khác nhau đã tìm đến ổ khóa đó và thậm chí đã mở nắp ghé
nhìn vào bên trong. Bản thân người Đaghextan còn chưa cầm bút trong tay,
mà nhiều vị khách, nhiều nhà du lịch, nhiều nhà học giả nghiên cứu đã viết
về Đaghextan bằng nhiều thứ tiếng: Ả Rập, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp,
Gruzia, Armênia, Pháp, Nga,…
Xin cảm ơn các khách viễn du, Tuy họ không thể hiểu hết chiều sâu
phong phú miền Đaghextan nhưng dù sao, họ chính là những người đầu tiên
đã đưa cái tên ấy vượt ra ngoài những triền núi của chúng ta.