thời đại. Cái mới đã không dễ dàng tìm được cho mình đường đi. Nhiều cửa
sổ trường học dạo ấy đã bị đập phá. Kẻ thù của giáo dục đã nói: “Thế giới
này là cái gì khi kẻ chăn cừu thì đọc sách còn tên xay bột thì học bài?
Chúng nó phải chăn cừu và xay bột!”. Còn có những chuyện tệ hại hơn. Tôi
còn nhớ viên đạn nhằm bắn vào thày giáo và cắm phập vào tấm bản đồ treo
trên tường nhà trường; và nhân chuyện này, bố tôi đã nói: “Suýt nữa thì tên
cướp đã làm thủng cả thế giới này bằng một phát đạn!”.
Vào những năm đầu tiên ấy, trong nhiều làng, người ta đã cố kết hợp kiểu
học mới với kiểu học tôn giáo cũ. Đã có nhiều trường hợp kết hợp như vậy.
Thật khó mà phân biệt được đâu là cửa hàng mậu dịch còn đâu là chợ; đâu
là Ali, còn đâu là Ômar. Mấy anh trai lớn của tôi thì được đến Trường thanh
niên cộng sản. Tôi ghen tỵ với các anh, nhưng vẫn đành phải chơi bời lêu
lổng, ngày ngày nóng lòng chờ đợi các anh về. Tôi rất thèm được đi học.
Nhưng lúc ấy, tôi chưa đầy 7 tuổi.
Vào thời gian ấy, trong làng tôi có mở một trường dành cho những ai
không muốn gửi con mình đến học ở thành Khunzắc. Trường học này một
nửa là mang tính chất tôn giáo. Trường có tên là “Trường học Gaxan”.
Gaxan là một người tốt bụng nhưng tính khí gàn gàn. Sự gàn dở của anh
thể hiện ở chỗ anh tin rằng hầu như có thể dung hòa cái mới và cái cũ. Họa
chỉ có trời biết anh đã khéo léo dung hòa được cái mới, cái cũ trong con
người mình thế nào! Ở làng này anh làm bí thư Đoàn thanh niên cộng sản, ở
làng kia anh lại làm tu sỹ Hồi giáo. Chuyện này kết thúc thế nào thì kể cũng
dễ đoán ra thôi: vì tu sỹ đạo Hồi nên người ta khai trừ anh ra khỏi
Kômxômôn, và vì anh là đoàn viên Kômxômôn nên người ta không cho anh
lảng vảng đến gần điện thờ cúng! Trong thời kỳ nội chiến anh là một du
kích đỏ. Do ý muốn của số phận, anh đã là thày giáo đầu tiên của tôi, bởi
vậy để các bạn dễ hình dung hơn con người này, tôi xin dẫn ra đây ba câu
chuyện nhỏ buồn cười liên quan đến Gaxan.
1. GAXAN VÀ TÊN TÙ BINH