Anh còn định chuyển ngày nghỉ từ chủ nhật sang thứ sáu - tức là ngày
kiêng cữ của đạo Hồi. Anh rất nhiệt tình giải thích, phổ biến trong nhân dân
và thi hành những chủ trương chính sách của Chính quyền Xô Viết. Anh
hăng hái thúc đẩy việc sửa chữa điện thờ cúng trong làng đã từng bị đổ nát
nhiều trong thời kỳ nội chiến.
Điện thờ cúng đã được sửa chữa xong. Người ta định ngày khánh thành.
Đúng vào dịp đó có một đoàn cán bộ văn hóa đông đảo về huyện: nhà văn,
họa sỹ, nghệ sỹ, ca sỹ, nhạc sỹ. Cả đoàn cán bộ từ trên huyện kéo về làng
nơi Gaxan long trọng làm lễ khánh thành điện thờ cúng.
Khách được đón tiếp thịnh tình tại làng. Họ được xem đua ngựa, đấu vật,
chọi gà. Các vị khách cũng không chịu lép một bề: họ cũng đăng đàn diễn
thuyết, tường trình về các nhiệm vụ kinh tế sắp tới, biểu diễn nhiều tiết mục
văn nghệ.
Giữa lúc buổi liên hoan văn nghệ đang diễn ra say sưa nhất thì một vị tu
sỹ bước ra báo cho các người dân ngoan đạo biết rằng đã đến giờ làm lễ cầu
nguyện buổi tối.
Lúc đó, Gaxan đứng bật dậy hướng về các vị khách và nói:
- Xin cảm ơn các bạn đã cho chúng tôi hân hạnh được đón tiếp vào một
ngày đáng ghi nhớ như thế này, ngày khánh thành điện thờ Hồi giáo của
chúng tôi. Xin cảm ơn về các tiết mục văn nghệ nữa. Còn bây giờ chúng tôi
đi làm lễ. Các bạn muốn tiếp tục biểu diễn luôn cũng được, muốn chờ
chúng tôi rồi hãy biểu diễn cũng được, hãy đi lễ cùng chúng tôi cũng được,
tùy các bạn.
Một số dân làng đi sang chỗ điện thờ, một số người ở lại nghe hát tiếp,
một số khác thì bối rối đứng lên không biết phải làm gì. Các vị khách càng
hoang mang. Sau đó trên nhà mái bằng, được lấy làm sân khấu bước ra mấy
ca sỹ nổi tiếng là Arasin, Ômar, Gazi-Mahômét và nữ ca sỹ Patimát ở làng
Kêgher. Hai cái mũ, một cái khăn, hai đàn panđur, một trống buben. Và một
bài ca mới bay vút trên khắp núi rừng. Đó là bài ca về Lênin, về ngôi sao