Tôi mừng rỡ đến bối rối:
- Cầu cho nhà của anh không bao giờ cháy, không bao giờ sụp! Sao một
người Avar như anh lại lọt vào Krakôp?
Thiếu chút nữa thì tôi đã ôm chầm lấy vị khách, tôi kéo anh ấy vào buồng
và nói chuyện đến hết ngày và suốt buổi tối.
Nhưng vị khách không phải là người Avar. Đó là một nhà học giả Balan,
chuyên nghiên cứu ngôn ngữ và văn học các dân tộc ở Đaghextan. Ông
được nghe tiếng Avar lần đầu qua hai tù nhân Avar ở một trại tập trung.
Ông thấy thích thú tiếng đó và còn thích hơn nữa chính bản thân người
Avar. Ông bắt đầu nghiên cứu ngôn ngữ chúng ta. Sau này một tù nhân
Avar đã chết, còn người kia thì chịu đựng cảnh tù đày, được Hồng quân cứu
thoát và sống đến tận bây giờ.
Chúng tôi nói chuyện với nhau hoàn toàn bằng tiếng Avar. Đối với tôi,
việc đó thật lạ lùng, khó quên. Cuối cùng tôi đã mời nhà học giả sang thăm
Đaghextan.
Vâng, hôm đó cả hai chúng tôi đã dùng tiếng Avar. Tuy vậy giữa cách nói
của hai người vẫn có một sự khác biệt lớn. Ông nói như một nhà học giả
cần phải nói, nói bằng một thứ tiếng rất thuần, rất đúng, nhưng lại đúng quá,
đến mức trở nên bằng phẳng, đơn điệu. Khi nói, ông nghĩ nhiều hơn đến
ngữ pháp chứ không phải đến mầu sắc của tiếng nói, nghĩ nhiều hơn đến sơ
đồ, đến cấu trúc câu, chứ không phải là đến thịt da từng chữ một.
Tôi muốn viết một cuốn sách, trong đó không phải ngôn ngữ phụ thuộc
vào ngữ pháp mà là ngữ pháp phụ thuộc vào ngôn ngữ.
Nói cách khác, tôi ví ngữ pháp với anh chàng đi bộ trên đường, còn văn
học thì giống như một người cưỡi la. Anh chàng đi bộ xin đi nhờ, và người
cưỡi la cho anh ta ngồi sau lưng. Dần dần anh chàng đi nhờ bạo dạn lên,
anh ta lấn người kia ra khỏi đệm ngồi, đuổi người kia xuống và gào to:
“Con la này của tao, tất cả đồ đạc buộc bên yên cũng là của tao!”