như được thấy mặt Đaghextan hoàn toàn mới, tôi lại hiểu và yêu quê hương
tôi như từ buổi đầu.
Miền quê Đaghextan thân yêu đối với tôi là không có giới hạn, không có
tận cùng.
Rút trong sổ tay.
- Này chim ưng, bài ca chim yêu thích nhất hát về cái gì vậy?
- Hát về những ngọn núi cao.
- Này chim hải âu, bài ca chim yêu thích nhất hát về cái gì vậy?
- Hát về biển xanh.
- Này quạ đen, bài ca chim yêu thích nhất hát về cái gì vậy?
- Hát về những xác chết ngon lành ngoài chiến địa.
Trong văn học cũng có những loài chim: chim ưng và hải âu. Loài thì
ngợi ca núi cao, loài thì ngợi ca biển rộng. Mỗi loài có riêng quê hương, có
riêng đề tài. Nhưng trong văn học còn có cả quạ. Loài này yêu mình hơn cả
mọi thứ trên đời. Con quạ khi móc mắt người chết ngoài bãi chiến trường,
không hề nghĩ ngợi xem đó là mắt người anh hùng hay là kẻ hèn nhát. Tôi
biết những nhà văn hôm nay làm những điều gì hôm nay thấy lợi, và ngày
mai lại làm những điều gì ngày mai thấy lợi.
Lại nói về đề tài. Đề tài là cái hòm đựng của cải. Lời nói là chìa khóa mở
cái hòm đó. Nhưng đồ đạc trong hòm cần phải là của anh chứ không phải
của người khác.
Có những nhà văn nhảy từ đề tài này sang đề tài khác mà không kịp tìm
hiểu một đề tài nào đến nơi đến chốn. Họ mở nắp hòm he hé, lật đồng quần
áo cũ nát ở trên rồi vội vàng bỏ đi chỗ khác. Còn người chủ nhân của chiếc
hòm thì biết rằng nếu cẩn thận lấy từng thứ ra thì ở đáy hòm sẽ hiện ra một
cái hộp nhỏ đựng tư trang quý giá.
Những người cứ mỗi đề tài đều ghé mũi ngửi một tý giống như anh chàng
đa thê Đalagôlốp mà người miền núi đều biết tiếng. Anh ta lấy vợ hai mươi