lập từ thế kỷ XIII, và cả hai đều đã đón nhận những đoàn truyền giáo Theravāda vào
thế kỷ XIV - Thái Lan từ Miến Điện, Lào từ Căm Bốt - tuy cũng chắc rằng đã có một
ảnh hưởng trước đó từ tông phái Theravda của dân tộc Môn mà họ tới định cư. Sự
quan tâm của hoàng triều đối với Phật giáo ở Thái Lan được biểu trưng bằng việc vua
Lu Thai hoàn toàn thụ giới năm 1384, và người ta cho rằng vua đã chấp nhận thành
Phật để có thể giúp các thần dân của mình thoát vòng luân hồi - như thế cho thấy có
một ảnh hưởng của Phật giáo Đại Thừa.
Năm 1350, một triều đại mới được thiết lập ở Ayudhya, nhờ đó Bà La Môn giáo phần
nào có được một ảnh hưởng ngang tầm với Phật giáo tại hoàng triều, và mặc dù Phật
giáo vẫn còn là quốc giáo, nhưng nó đã bị pha trộn với những việc thực hành của Bà
La Môn giáo. Dưới thời vua Paramatrailokanāth (1441-81), những người Thái được
gửi sang Sri Lanka thụ giới và trở về cùng với các sư Sri Lanka để thiết lập một dòng
thụ giới mới ở Thái Lan, và vào đầu thế kỷ XVIII, các sư từ Thái Lan đi sang Sri
Lanka truyền giới cho các Tỳ khưu và vì vậy đã thiết lập tông nhánh Xiêm tại đây,
bằng cách phục hưng Tăng Già Sri Lanka.
Năm 1761, quân đội Miến xâm chiếm thủ đô và phá huỷ hầu hết các chùa chiền và cơ
sở Phật giáo ở Ayudhya, khiến cho Thái Lan cảm thấy cần có một cuộc tái thiết sâu
rộng khi đất nước giành lại được quyền cai trị vào năm 1767. Tak Sin, vị vua mới,
từng được một vị sư Phật giáo dạy dỗ đã thanh tẩy Tăng Già (sa thải chính trưởng
tăng saṅgharāja), giới hạn ảnh hưởng của Bà La Môn giáo ở triều đình, và truyền
lệnh đưa về lại thủ đô một bản Tam Tạng đầy đủ. Một tông phái cải cách có tên
là Thammayutika Nikāya, nghĩa là "dòng thụ giới theo Giáo pháp" đã được thiết lập
với sự bảo trợ của nhà sư thái tử Mongkut (1824-51), một phần chịu ảnh hưởng của
Sri Lanka. Dưới triều đại của Mongkut, bắt đầu từ năm 1851, các nhà sư có trình độ
hơn của phong trào cải cách thiểu số đã giành được những địa vị cao hơn trong xã hội,
tạo nên mối căng thẳng lớn giữa họ và những đại diện của phái Đại tông Mahānikāya
không cải cách. Dưới ảnh hưởng của Thái Lan, các tông Mahānikāya và
Thammayutika đã bành trướng sang cả Lào và Căm Bốt.
Những nước chúng ta đã bàn đến trên đây đều theo chung một kiểu mẫu được các
quốc gia tân lập chấp nhận như một phương tiện để hợp thức hóa các chính quyền của
họ, đó là có một Tăng Già với cơ cấu chuẩn mực và giáo lý nguyên thủy Theravāda
dựa trên giáo lý nguyên thủy của tông phái Mahāvihāra ở Sri Lanka. Mối quan hệ gắn
bó giữa nhà nước và tôn giáo rõ ràng cũng là rập theo khuôn mẫu của Sri Lanka, còn
khuôn mẫu của Sri Lanka được gợi hứng từ gương của vua Aśoka và sự can thiệp của
vua trong Tăng Già tại Đại hội thứ ba. Một phần nào đó, sự ảnh hưởng này là tích cực
và ích lợi, nhiều vị vua cố gắng noi gương vị trưởng lão Phật pháp (dhammarāja) cai
trị với tinh thần công minh chính trực. Chúng ta cũng không được quên rằng, giống
như ở Tây Tạng và Nhật Bản, Phật giáo sẽ đóng một vai trò quyết định trong việc đưa
nền văn hóa cao hơn vào những nước này.