thanh tẩy Tăng Già này, và mời một trưởng lão tên là Moggaliputta Tissa để triệu tập
một Đại hội. Một ngàn nhà sư đã đến dự Đại hội, cùng bác bỏ và trục xuất những
thành phần vi phạm. Những lý luận bác bỏ các quan điểm đã được ghi lại, và tạo
thành nòng cốt của bộ kinh sau này gọi là Kathāvatthu, (Các Điểm Tranh Cãi), ngày
nay có ở trong Vi Diệu Pháp của truyền thống Nguyên thủy. Tuy các người theo phái
Theravāda sau này cho rằng đây là một Đại hội toàn nước Ấn Độ tại đó phái
Theravāda bác bỏ tất cả những quan điểm Phật giáo đối lập, và họ cũng nhận được sự
ủng hộ trực tiếp của vua Aśoka, nhưng hiển nhiên không phải vậy. Từ những tài liệu
do chính vua Aśoka để lại trong các chỉ dụ của ông, các nhà sử học đã kết luận rằng
Đại hội được triệu tập để giải quyết một vấn đề địa phương, liên quan tới Tăng Già ở
Pāṭaliputra, và vua Aśoka không quan tâm tới việc bênh vực một trường phái chống
lại những trường phái khác, mà chỉ muốn giải quyết một tình hình đang làm cho Tăng
Già phải mang tai mang tiếng
(61)
. Sách Aśokāvadāna cũng kể lại rằng vào cuối đời, khi
vua Aśoka lâm trọng bệnh, vua đã di chúc lại cho Tăng Già hầu hết của cải của nước
và của riêng ông. Lo sợ xảy ra thảm hoạ kinh tế, các quan cận thần không cho vua vào
kho bạc và truất quyền của vua.
Sau khi vua Aśoka mất, vương quốc Maurya sụp đổ và Phật giáo rơi vào một thời kỳ
bị ngược đãi dưới triều đại Puṣyamitra Śuṅga. Tuy nhiên, nhìn chung toàn thể thời kỳ
này (188-175 trước CN.), người ta vẫn thấy có sự nở rộ các trường phái nghệ thuật
điêu khắc Phật giáo ở Sañchi, Amarāvati, Bodh Gaya, và các nơi khác, liên quan tới
các tháp thờ tại đây. Trong thế kỷ trước, người ta vẫn nghĩ rằng vào thời kỳ đầu không
ai vẽ hình ảnh thật của Phật, mà chỉ có những biểu tượng về sự hiện diện của Ngài
như một bánh xe Giáo pháp (dharma-cakra), một cái ngai, một cái lọng, hay một dấu
chân. Nhưng gần đây hơn, người ta lại gợi ý rằng những hình ảnh đó nên được hiểu
theo nghĩa trực tiếp của nó, và lối giải thích biểu tượng trước kia (không có cơ sở giáo
lý)
(62)
mâu thuẫn với những bằng chứng hiển nhiên. Các đề tài điêu khắc được ưa thích
đều lấy từ những câu chuyện trong tiền thân kể về cuộc đời tại thế của Đức
Phật (Jātakas).
Một vị vua thứ hai nổi tiếng bảo trợ cho Phật giáo là Kaniṣka (thế kỷ I tới II CN.).
Vua Kaniṣka là vị vua thứ ba thuộc dòng những kị sĩ của Trung Á đã xâm chiếm miền
Tây Bắc Ấn Độ vào đầu thế kỷ I CN. Ông cai trị một vương quốc nhỏ bé bao gồm
một vùng rộng ở phía Bắc và Tây Bắc Ấn Độ, gồm Sindh, Rajasthan, Malwa, bán lục
địa Kathiawar, và Mathurā, và tự hào có một triều đình giàu có và thuộc nhiều chủng
tộc. Tuy tâm tính rất thích hợp với Phật giáo, nhưng ông không bao giờ theo chính
sách từ bỏ vũ lực, và đã kéo dài một chuỗi những cuộc tàn sát đẫm máu, vì thế ông bị
người ta căm ghét. Nhưng ông cũng đã xây dựng tu viện lớn ở Peshawar, và cống hiến
nhiều tiền của cho các công trình xây dựng khác, và nổi tiếng trong các truyền thống
Phật giáo của Bắc Ấn Độ như một vị bảo trợ lớn cho Giáo pháp. Đại hội Phật giáo lần
thứ tư diễn ra ở Kashmir dưới sự bảo trợ của ông. Tại Đại hội này, 499 vị sư