dùng thuật ngữ này, và về cơ bản thì các trường phái triết học là những biến thể của
các trường phái về học thuyết
(63)
.
Bối Cảnh Việc Hình Thành Các Trường Phái Phật Giáo
* Khác Biệt Về Luật
Để hiểu các trường phái đã hình thành như thế nào, chúng ta phải xét đến một số các
vấn đề liên hệ. Chúng ta phải nhớ rằng nền văn hóa Ấn Độ nhấn mạnh vào điều được
gọi là "thực hành chính thống" hơn là "lý thuyết chính thống". Vì vậy bản chất và tính
liên tục của các tổ chức tôn giáo ở Ấn Độ có khuynh hướng được thiết lập dựa trên sự
liên tục của việc thực hành và hành vi cư xử hơn là dựa trên sự phù hợp của các ý
tưởng. Lập trường chung này cũng áp dụng cho Phật giáo, vì các cuộc li khai, gọi
là saṅghabheda, luôn luôn phát sinh từ việc thực hành những luật cư xử và những giới
luật khác nhau, hơn là từ những cách cắt nghĩa khác nhau về giáo lý.
Tạo sự li khai bị coi là một trong sáu trọng tội, trong đó có việc làm hại một vị Phật và
giết cha hay mẹ, và vì vậy điều này nói lên mối quan tâm rất lớn trong Tăng Già nhằm
bảo vệ mình khỏi sự chia rẽ đau đớn và có thể dẫn tới chỗ tan vỡ. Tất nhiên, không
phải mọi cuộc li khai đều là cố ý hay phát sinh từ sự thù nghịch, và có vẻ như sự xa
cách về địa dư do các hoạt động truyền đạo trong thời vua Aśoka đã đóng một vai trò
quan trọng trong việc phát sinh các khác biệt về việc thực hành giới
Bổn (prātimokṣas) trong nhiều cuộc hội họp khác nhau
(64)
. Kết quả của tất cả những
yếu tố này có thể thấy qua bảy lần tu chỉnh giới luật (Vinaya) mà chúng ta còn giữ
được cho tới ngày nay. Xét về cơ bản, bộ luật này vẫn còn cho thấy sự trung thành với
năm hay mười giới luật, còn những khác biệt có trong những bộ luật khác nhau mà đã
làm phát sinh những cuộc li khai (saṅghabheda) thì phần lớn đều xoay quanh những
vấn đề không mấy quan trọng. Những sự thay đổi nho nhỏ thuộc loại này đã là nguồn
gốc phát sinh những khác biệt giữa các trường phái, chẳng hạn về màu sắc y phục của
các tỳ khưu thuộc các phái Theravāda, Tây Tạng, và Thiền, hay về cách mặc những y
phục này. Sự khác biệt lớn nhất là trong lãnh vực các luật về oai nghi tế hạnh, cách ăn
mặc, ăn uống, và nói năng
(65)
. Một điều quan trọng cần nêu rõ là những khác biệt cục
bộ này chỉ xoay quanh các khác biệt về giới luật, nên chỉ liên quan tới các Tỳ khưu
Tăng và Ni, chứ không liên quan gì tới các tín đồ ở ngoài đời.
* Khác Biệt Về Giáo Lý
Khái niệm li khai cắt nghĩa trên đây cần được phân biệt rõ với sự khác biệt về giáo lý.
Có vẻ như những khác biệt trong cách cắt nghĩa giáo lý chủ yếu là những khác biệt
liên quan tới cá nhân, vì rõ ràng các tỳ khưu thuộc các trường phái giáo lý khác nhau
vẫn sống khá chan hòa trong cùng một tu viện, tuân giữ cùng giới luật Vinaya, như đã
được kể lại do những người Trung Quốc hành hương tới Ấn Độ vào các thế kỷ V và