phái có tên là Dharmaguptaka, có thể là tên gọi để chỉ về những người đi theo một vị
thầy tên là Dharmagupta; cũng vậy, có trường phái Vātsīputrīya của những người đi
theo thầy Vatsīputra. Ngay cả những môn đệ của chính Đức Phật cũng có một số biệt
tài theo kiểu này. Śāriputra có thể được coi là một nhà phân tích triết học (và được
truyền thống cho là tác giả của Vi diệu pháp), Upāli, vị Tỳ khưu được truyền thống
ghi nhận là đã đọc thuộc lòng toàn bộ Luật tạng, rõ ràng là một chuyên viên về Giới
luật, còn Ānanda có thể được nhìn nhận là một uyên thâm (suttantika), một bậc thầy
về giảng thuyết. Thực vậy, trường phái Sautrāntika coi Ānanda là tổ phụ của mình.
Từ những quan sát trên đây, rõ ràng sự khác biệt tự nó không phải một điều xấu. Nó
cho phép thích nghi giáo lý với những nhu cầu của từng thính giả, và rất thích hợp để
gán cho Đức Phật tước hiệu của vị lương y, vì Ngài biết cho mỗi người bệnh một thứ
thuốc thích hợp. Ngoài ra, trước khi đi vào từng trường phái riêng, chúng ta cần lưu ý
rằng nhiều sự khác biệt giáo lý phần lớn chỉ nằm trên phạm vi lí thuyết, và người ta dễ
cường điệu những sự khác biệt giữa các trường phái Phật giáo.
* Các Trường Phái Triết Học
Truyền thống thời sau của cả Phật giáo lẫn không Phật giáo thường liệt kê bốn trường
phái tư tưởng hay triết lý Phật giáo: Sarvāstivādin (Nhất Thiết Hữu
Bộ), Sautrāntika (Kinh Lượng Bộ), Mādhyamika (Trung Quán Tông), và Yogācārin
(Duy Thức Tông). Hai trường phái sau là những trường phái Đại Thừa và sẽ được bàn
ở những chương riêng, nhưng cả bốn trường phái này đều triển khai những hệ thống
tư tưởng nhất quán để trở thành tiêu chuẩn tranh luận cho những nhà tư tưởng thời
sau. Theo nghĩa rộng này, đây là những trường phái đã có sự đóng góp độc đáo của
mình cho tài sản tri thức chung về khung cảnh tôn giáo Ấn Độ. Ngược lại, các trường
phái giáo lý chỉ trao truyền những học thuyết không có ảnh hưởng gì ở ngoài trường
phái của họ. Vì vậy cá nhân mỗi Phật tử có thể theo triết lý của bất kỳ trường phái nào
trong bốn trường phái trên đây, bất kể họ thuộc dòng thụ giới nào, nikāya nào, hay
theo Tiểu thừa hoặc Đại Thừa. Đây là sự chọn lựa duy nhất cho những thành phần của
các nikāyas mà không có quan điểm giáo lý riêng nhất định nào của mình.
Các Trường Phái Ngoài Đại Thừa
Trong một cuốn lịch sử Phật giáo nhỏ như thế này, không thể nào nói chi tiết về tất cả
các trường phái, cũng không thể có một hình ảnh quân bình về những phát triển của
chúng. Những người Trung Quốc hành hương vào thời Trung Cổ thường nhắc tới các
trường phái Mahāsaṇghika, Sthaviravādin, Pudgalavādin, và Sarvāsitvādin là những
trường phái ngoài Đại Thừa, và ta có thể kể thêm trường phái triết học Sautrāntika.
Bây giờ chúng ta sẽ tập trung phân tích năm trường phái này, và xem chúng khác
nhau thế nào theo chức năng của mỗi trường phái.