Cần nhớ lại rằng vào thời kì này (thế kỷ I trước CN. tới thế kỷ I CN.), Phật giáo đã trở
thành một hiện tượng ít sôi động hơn là cộng đồng ban đầu vào thời Đức Phật. Phật
giáo lúc này được thừa hưởng nhiều của cải đất đai do dâng cúng, và được các vị vua
bảo trợ, đặc biệt các vị vua xâm lăng ngoại quốc muốn tìm sự ủng hộ của Phật giáo để
chống lại học thuyết Bà La Môn giáo của Ấn Độ, vì Bà La Môn giáo luôn coi người
nước ngoài như là thành phần ti tiện nhất trong xã hội và tôn giáo. Việc phát triển đời
sống tu viện, sự tăng dần tính phức tạp của nó (biểu hiện nơi sự phát triển luật
Vinaya) chắc hẳn đã làm phát sinh sự phân cách sâu xa hơn giữa đời sống tu và đời
sống thế tục.
Có thể những nhân vật thế tục được trình bày một cách rất tích cực trong các kinh Đại
Thừa, là một sự phê bình mặc nhiên mà những người thuộc trường phái Mahāsaṅgha
dùng để chống lại những Tỳ khưu bảo thủ và tự phụ, những người tuyên bố rằng giác
ngộ chỉ dành cho các Tỳ khưu, và vì thế chỉ Tỳ khưu là có được đặc quyền của bậc A
La Hán. Trong khi vào thời Đức Phật, Giác ngộ được nhìn như là một sự thành đạt
duy nhất, không phân biệt, theo nghĩa sự Giác ngộ mà người môn đệ đạt được thì
cũng hoàn toàn giống sự Giác ngộ mà Đức Phật đã đạt được, thì người Đại Thừa lại
nhấn mạnh sự khác biệt giữa hai sự thành đạt này để hạ thấp địa vị của những người
được coi là A La Hán trong các tu viện, và để khẳng định lại những giá trị thiêng liêng
nguyên thủy trong lời dạy của Đức Phật. Mặt khác, việc nhấn mạnh vào các năng lực
kỳ diệu của các môn đệ thế tục có thể cũng được dùng như là những ẩn dụ để nói về
năng lực của những lí tưởng thiêng liêng được đề cao trong các kinh điển mới. Dù thế
nào, vì mục tiêu trở thành Phật toàn giác sẽ được coi là cao hơn bậc A La Hán, nên
người thế tục với khả năng trở thành Bồ tát cũng có một tầm quan trọng lớn. Về
phương diện này, ảnh hưởng của các câu chuyện trong tiền thân (Jātaka) có một ý
nghĩa rất lớn, vì trong những câu chuyện này, người sẽ trở thành Phật được mô tả như
những con người bình thường, thậm chí như những con vật, mà truyện Jātaka lại luôn
luôn là một trong những phương tiện phổ biến nhất để giáo hóa người ta.
Nhưng động lực nằm trong sự phát triển này không phải là một sự li khai theo nghĩa
chuyên môn. Trong khi lý thuyết Đại Thừa tiến triển nhất phê phán những thái độ của
Tiểu Thừa, điều này phát xuất từ ý thức cá nhân, chứ không phải từ một cơ chế có tính
chất kỳ thị. Không hề có cái gọi là luật Vinaya Đại Thừa. Mọi tỳ khưu Đại Thừa đều
được thụ giới trong các Nikāyas của các trường phái ngoài Đại Thừa, và tuân giữ bất
cứ loại luật Vinaya nào thuộc về Nikāya đó. Các tỳ khưu Đại Thừa sống trong cùng
các tu viện với các huynh đệ "Tiểu Thừa" của mình, như ghi nhận của các người hành
hương Trung Hoa thời trung cổ, tuy rằng họ cũng bổ sung luật Vinaya chung bằng
những quan điểm đặc trưng của riêng họ về luân lý. Xét riêng, học thuyết mới
về upāya, "phương tiện [hiệu quả]" đã tương đối hóa luật Vinaya bằng cách khẳng
định lại tính thiết thực thiêng liêng trong việc thực hiện từ bi vượt qua tính hình thức