với Sūtra, "kinh", vì chúng là những tác phẩm bình luận. Các trường phái Đại Thừa
Ấn Độ phát sinh từ một cố gắng nhằm hệ thống hóa các lời dạy thành hai nhóm kinh.
Trường phái Madhyamaka làm sáng tỏ và rút ra những ý tứ của các kinh Bát Nhã Ba
La Mật Đa, trong khi trường phái Yogācārin hệ thống hóa các lời dạy của một nhóm
kinh có thể gọi là "duy tâm", một thuật ngữ không có trong truyền thống. Hợp chung
lại, hai phái Madhyamaka và Yogācārin tạo thành một mạch phát triển thuần nhất về
giáo lý đi trở ngược lên tới Vi Diệu Pháp qua các kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa. Họ tạo
thành hai đại biểu Đại Thừa trong số bốn trường phái "triết học" của Phật giáo mà cả
người Phật giáo và ngoài Phật giáo thời sau đều nhắc đến. Cả hai trường này đều có
nhiều đại diện nổi tiếng trong Phật giáo Ấn Độ, Tây Tạng, và Viễn Đông, và qua một
tiến trình tương tác phức tạp, họ đã có khuynh hướng thống trị sự phát triển sau này
của phần lớn học thuyết Phật giáo Đại Thừa. Các trường phái thời sau thường kể mình
đứng về phía lập trường cổ điển của một trong hai phái này. Cách
riêng, Śāntarakṣita (khoảng 680-740 CN.) đã tổng hợp học thuyết của hai trường phái
Yogācāra và Madhyamaka trong tác phẩm Tattvasaỵgraha của ông, và học trò của
ông là Kamalaśīla (khoảng 700-750 CN.) cho rằng tổng hợp này của thầy mình vượt
hẳn trên học thuyết của từng trường phái riêng rẽ đó.
Theo truyền thống, người sáng lập trường phái Madhyamaka là nhà sư lỗi lạc
Nāgārjuna, sinh ở vùng Vidarbha của Maharashtra trong thế kỷ II CN., nhưng sau thời
kỳ đào luyện Tỳ khưu ở Nālandā, Nāgārjuna đã đến sống ở Andhra. Ông có quan hệ
với triều đại Sātavahana của Deccan, bằng chứng là còn tồn tại một lá thư ông viết
cho một vị vua trong thời kỳ này. Người ta còn giữ được một số khá lớn các tác phẩm
được cho là của ông, trong đó tác phẩm chính là Mūlamadhyamaka-kārikā, "Những
Vần thơ Nền tảng về Trung Đạo". Một tên tuổi khác cũng được cho là gắn liền với
việc sáng lập trường phái này là Aryadeva, người Sri Lanka, mà một số ít tác phẩm
của ông còn tồn tại. Tác phẩm chính của ông là Catuṛśatakastava, "Bốn trăm vần
thơ". Có thể nói các tác phẩm của ông bổ túc cho các tác phẩm của Nāgārjuna, vì ông
nhấn mạnh nhiều về Con Đường Bồ Tát hơn là trong những tác phẩm của Nāgārjuna.
Vào những thế kỷ sau, giữa bối cảnh thách đố và tri thức tinh vi hơn của những tu
viện đại học ở Nālandā, Valabhī, v.v…, trường phái Madhyamaka lại chia thành
những trường phái con - mà hai trường phái chính trong số này là Prasaṅghika và
Svātantrika Madhyamaka. Học thuyết của trường phái thứ nhất do Buddhapālita (470-
540 CN.) khởi xướng, nay còn được lưu truyền trong Dòng dGe-lugs ở Tây Tạng.
Học thuyết của trường phái Svāntantrika Madhyamaka do Bhāvaviveka (500-570
CN.) khởi xướng, phê bình học thuyết của Buddhapālita - nhưng phê bình này đã bị
Candrakīrti (600-650 CN.) bác bỏ. Śāntideva, tác giả của Bodhicaryāvatāra, là người
theo trường phái Prasaṅgika Madhyamaka vào thế kỷ VIII.
Kinh cơ bản của trường phái Madhyamaka là các kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa; các
kinh này không phải là những khảo luận. Trường phái này chỉ khẳng định các lời dạy