hiện hữu nội tại, và đối với Yogācārin nó chỉ về sự trống rỗng nhị nguyên, nghĩa là
không có chủ thể và khách thể, thì Śrīmālā-devī Sūtra giải thích rằng sự trống rỗng ở
đây là chỉ về sự vắng bóng mọi uế nhơ trong Tathāgatagarbha. Khi được giải thoát
khỏi sự uế nhơ này, sự vắng bóng uế nhơ trở nên rõ ràng, và cái được giải thoát khỏi
sự uế nhơ được gọi là dharmakāya, pháp thân vì yếu tố hoàn toàn không nhiễm uế này
chính là bản thể của các vị Phật.
(153)
Một kinh thứ ba quan trọng để trình bày tư tưởng Tathāgatagarbha là bản kinh tiếng
Phạn Kinh Đại-bát Niết-bàn Mahāparinirvāṇa Sūtra. Tuy có cùng tên gọi, nhưng đây
không phải là một bản khác của kinh Mahāparinibbāna Sutta trong Kinh điển Pāli,
tuy nó tuyên bố kể lại những biến cố cuối đời của Đức Phật. Kinh này rất dài, chắc
hẳn là một tác phẩm tập hợp của nhiều tác giả, được soạn vào khoảng giữa năm 200
đến 400 CN. Điểm độc đáo của Mahāparinirvāṇa Sūtra là nó dạy rằng có một bản
ngã thực sự! Theo đúng kiểu thực hành chú giải của các trường Đại Thừa
khác, Mahāparinirvāṇa Sūtra nói rằng học thuyết anātman, vô ngã, là
một upāya, "phương tiện hiệu quả", tuỳ nghi do chính Đức Phật sử dụng để giúp triệt
căn bản ngã hiểu theo nghĩa chật hẹp và không giác ngộ. Cho nên các kinh trình bày
học thuyết này cần phải được cắt nghĩa để hiểu cho đúng. Về phần
mình, Mahāparinirvāṇa Sūtra tuyên bố rằng nó trình bày một lời dạy bí mật của Đức
Phật chưa từng được nghe trước đây. Lời giảng này là có một "Đại Ngã", là yếu tố cơ
bản ẩn bên dưới thực tại trần tục. Trong khi trường phái Madhyamaka nhấn mạnh
những khía cạnh tiêu cực của Quả Phật, thì Mahāparinirvāṇa Sūtra cho rằng như thế
là làm cho người ta hiểu về Giác ngộ và thực tại một cách phiến diện, và vì thế nó tìm
cách sửa chữa sự phiến diện này bằng cách nhấn mạnh đặc biệt trên những đặc tính
tích cực của Giác ngộ.
Một bản văn quan trọng khác nữa về học
thuyết Tathāgatagarbha là Ratnagotravibhāga của Maitreyānatha, với phần bình luận
được truyền thống Trung Hoa cho là của Sāramati - cả hai phần đều có từ thế kỷ III
hay IV CN. Sāramati được coi là người đầu tiên hệ thống hóa học thuyết
Tathāgatagarbha, ông cắt nghĩa rằng thực tại, ở đây gọi là tathatā, nghĩa là "như thị
hay tính thế ấy", có hai kiểu hay trạng thái. Tính Phật là tathatā thanh tịnh, vô tì tích,
trong khi thế giới trần tục là biểu hiện của tathatā ở trong tình trạng ô uế. Đối với
người không giác ngộ, cái tathatā thanh tịnh ẩn bên dưới thực tại trần tục chính là
Tathāgatagarbha.
Không bản văn nào trên đây nhắc đến ālaya-vijñāna, "ý thức kho chứa". Giai đoạn
phát triển thứ hai của tư tưởng và văn học Tathāgatagarbha cũng có một số tác phẩm
nhắc đến ālaya-vijñāna, nhưng không gợi ý nó có liên quan gì tới Tathāgatagarbha.
Trong số những kinh loại này có Mahāyānasuùtralaỵkāra. Ở giai đoạn cuối
cùng, Tathāgatagarbha được hoàn toàn đồng hóa với ālaya-vijñāna, được trình bày
trong các kinh tiêu biểu là Laṅkāvatāra Sūtra và Đại Thừa Khí Tín Luận, thường