Tôi nói muốn trở về quê nhà ở Sơn Tây, nhưng xem ra ý định này không
được hiện thực cho lắm, nếu ông bà già hỏi vì sao đang đi công tác lại về
nhà thì đâm ra khó ăn khó nói.
Trước mắt cứ tìm một nơi hẻo lánh nào đó ngồi đợi vậy, tôi nghĩ đến vài
sơn thôn gần Đại Khánh, ở đó vẫn đang tiến hành một số đợi khảo sát địa
chất sơ bộ, tôi có thể mạo nhận là thành viên đội địa chất lánh tạm ở đó một
thời gian.
Vương Tứ Xuyên thấy vậy cũng được. Chúng tôi tra cứu bản đồ, tìm một
sơn thôn mà tàu hỏa chưa thể chạy đến được, chỉ có thể đi bộ từ vùng này
đến vùng khác, rồi đổi mọi vật dụng trên người thành phiếu lương thực.
Sau khi tới nơi, chúng tôi phát hiện đó là một thôn xóm rất yên bình,
người trong thôn còn chưa rành rẽ mọi thông tin về cuộc kháng chiến chống
Nhật, bởi chẳng ai muốn đến tận vùng xa xôi thế này để tuyển quân, bốn bề
toàn là núi cao hiểm trở.
Sắp sang hạ, phiếu lương thực của chúng tôi cũng gần dùng hết, người
của hợp tác xã thương nghiệp đến khảo sát sơ bộ, chúng tôi liền mua một
chiếc đài radio ở chỗ họ, rồi cho phát sóng những câu chuyện truyền thanh
hay phát hồi ấy để đổi lấy phiếu lương thực. Chúng tôi cứ sống như vậy mãi
đến lập hạ thì mới quay về theo đường cũ.
Không thể trở lại đơn vị báo cáo, tôi đành về quê, bịa đại ra một câu
chuyện hợp tình hợp lý cho ông bà già đỡ thắc mắc. Tôi bảo mình là lính
đào ngũ, suýt chết trong tay quân Liên Xô nên hầu hết mọi người đều tưởng
tôi đã hi sinh, tôi ẩn nấp một thời gian rồi mới về quê. Thời bấy giờ, ở một
miền quê mù thông tin như quê tôi thì nói dối như vậy cũng chẳng bị ai phát
hiện.