Tóm lại, đạo Phật Tiểu thừa từ thời đại tập Mahavagga cho đến thời
Buddhaghosa , có thể nói phát sanh từ Thiền định Yoga mà không có một
pha lẫn nào. Trạng thái bất tử, tuyệt luân là trạng thái vị Thánh hướng mình
tới,vì là một trạng thái giải thoát khỏi sanh tử. Tuy vậy chúng ta không thể
đặt một sự liên hệ triết học hay thần học nào giữa trạng thái bất tử là tên
được đặt cho Niết bàn. Nói một cách khác, hạnh phúc tối thượng, Diệt đế,
giải thoát, là những danh từ không có những phiền toái giáo lý, và sự thật,
những danh từ này chỉ có nghĩa là sự diệt tận ngọn lửa tham ái, hay nói một
cách khác, chính là con đường đưa đến trạng thái Bất tử hay chính là trạng
thái Bất tử. Rõ ràng giáo sư Poussin muốn bài bác quan điểm đã có từ lâu
xem Niết bàn như là diệt tận, hư vô. Giáo sư dẫn chứng nhiều đoạn để
chứng minh rằng ngọn lửa xuất phát tự thân, trong ấy vị Thánh tự thiêu hay
chính là tự thân của vị Thánh, không phải là hư vô, tận diệt. Tóm tắt quan
điểm của mình, giáo sư cho biết những tác dụng sai biệt của danh từ Niết
bàn như sau:
1) Niết bàn, sự tuyệt đối, vượt ngoài nhân duyên tự có nghĩa là sự diệt trừ
phiền não, khổ đau.
2) Sự thể nhập trọn vẹn vào Niết bàn, khiến cho mọi phiền não và mọi đời
sống mới đạt đến trạng thái Anutpattika (Bất sanh), nói một cách khác, đó
là trạng thái thánh quả, sự giải thoát mọi tư tưởng, Sopadhisesa Nirvàna
(Hữu dư y Niết bàn).
3) Sự nhận thức đã thể nhập Niết bàn, sự nhận thức đã thể nhập Niết bàn,
sự nhận thức trong thiền định an lạc tối thượng, một hình thái Niết bàn tốt
đẹp nhất trong đời, và nói cho đúng hơn là trạng thái Niết bàn độc nhất.
4) Sự chứng nhập Samjnàvedayitanirodha (Diệt thọ tưởng định), một trạng
thái do các bậc Thánh hay Á Thánh chứng nhập, một trạng thái thiền định
như thể nhập Niết bàn, môt trạng thái chỉ nhận thức được qua thân thể, vì
mọi tư tưởng đã diệt tận.