Các bài kệ trong tập Trưởng lão kệ, Trưởng lão ni kệ và kinh
Mahàparinibbàna nói thiền định cuối cùng của đức Phật chỉ để diễn tả cảm
giác tịnh lạc vị Thánh cảm thọ khi nhập định cao nhất này. Chính thật là
tiền vị của một cảm giác mà vị Thánh sẽ được hưởng vĩnh viễn. Trong giai
đoạn A-la-hán, nghĩa là khi chứng được hữu dư y Niết bàn (Sopàdisesa-
nibbànadhàtu). Vị Thánh chắc sẽ được hưởng một cảm giác tịnh lạc tối
thượng, không thể nghĩ nghì, một cách vĩnh viễn, khi thân thể vật chất này
không còn nữa, nói một cách khác, khi vị Thánh này nhập vô dư y Niết
bàn. Sự liên hệ mật thiết giữa Diệt Thọ Tưởng Ðịnh và Niết bàn được rõ
ràng hơn trong bài kệ của tập Udàna, diễn tả Dabba mallaputta chứng Niết
bàn:
Abhedi kàyo nirodhi sannà vedanàpi’tidahamsu sabbà, Vupasaminsu
sankhàrà vinnànam attham agamàti
Thân hoại, tưởng diệt, mọi cảm thọ bị đốt cháy. Ba hoạt động đều dừng và
thức biến mất.
Như vậy Diệt Thọ Tưởng Ðịnh rất giống với Niết bàn. Tập Majjhima
Nikàya thêm rằng một vị Thánh không những chứng thiền định này mà còn
tận trừ các lậu hoặc (àsava) nhờ trí tuệ, và như vậy vượt ngoài sự chi phối
của Ma vương. Do vậy Diệt Thọ Tưởng Ðịnh của vị Thánh chỉ là tiền vị
của Niết bàn khi nào có được một vài điều kiện khác như sự đoạn trừ các
lậu hoặc và quán tưởng chân lý v.v...
Niết bàn có phải là sự chết vĩnh viễn?
Giáo sư nghĩ rằng Niết bàn liên hệ mật thiết với Diệt Thọ Tưởng Ðịnh và
như vậy được xem là một trạng thái không có dấu vết của tâm thức. Trong
đoạn văn diễn tả đức Phật nhập Niết bàn, Ngài nhập vào định Diệt Thọ
Tưởng, nhưng không ở luôn trong ấy. Ngài xuống định thấp nhất rồi chứng
nhập Niết bàn từ thiền thứ tư. Nếu Niết bàn là một hình thức vĩnh cửu của
Diệt Thọ Tưởng Ðịnh, chắc Ngài ở lại trong định ấy rồi nhập Niết bàn.