như hiện hữu trường cửu, bất sanh, bất diệt, bất biến, và vượt ngoài mọi
diễn tả.
Tập Visuddhimagga về Niết bàn
Trong tập Visuddhimagga (tr. 293, 294), Ngài Buddhaghosa giữ lại quan
điểm trong tập Kathàvatthu và chỉ lựa những đoạn văn trong các tập
Nikàyas ủng hộ quan điểm của mình. Khi tả những đức tánh (gunà) của
Niết bàn, Ngài chú thích một đoạn văn trong tập Anguttara Nikàya (ii, 34),
trong ấy Niết bàn được tả như là diệt cống cao, gọt sạch tham ái, đoạn trừ
àlaya (của năm Kàmaguna), và chấm dứt sanh tử luân hồi trong ba giới.
Khi chú thích ngữ nguyên của chữ Nibbàna (tr. 293, 294), Ngài nói: Niết
bàn nghĩa là đi ra khỏi vana, chữ này đồng nghĩa với ch? Tanhà (ái), và
được gọi vậy là vì Niết bàn hành sự làm trở ngại cho bốn loại sanh (Yoni:
tử sanh), năm gati (năm thú), bảy đời sống tâm thức, (nghĩa là những cảnh
giới cao hơn cảnh giới vô sắc) và chín sattàvasas (chín cảnh giới của loài
hữu tình). Ðây chỉ phương diện upasama (an tịnh) của Niết bàn. Rồi Ngài
nói đến đoạn văn được nổi tiếng trong tập Samyutta Nikàya (IV, 362, 369
v.v...) để nêu rằng Niết bàn là chân lý, siêu trần, khó thấy, bất diệt, vĩnh
cửu, bất khả nghĩ nghì, bất tử, an lạc, an tịnh, tuyệt diệu, kháng kiện, trong
sạch và là một hòn đảo để nương tựa. Từ sự chọn lọc các đoạn văn, hình
như Ngài Buddhaghosa ủng hộ cho quan điểm Niết bàn là vĩnh cửu, một
trạng thái siêu thế vượt ngoài Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.
Quan điểm Niết bàn của Ngài Buddhaghosa được trình bày rõ ràng khi
Ngài đấu lý với quan điểm của Kinh bộ về sự không hiện hữu (abhàva) của
Niết bàn (V.M; tr. 507-9). Ngài bắt đầu với sự xác nhận Niết bàn đem đến
an tịnh cho tâm hồn (santi), và có vị bất diệt (accuti) và an ủi
(assàsakarana), và phát sanh một trạng thái tâm thức không thể nghĩ nghì
(nippapanca) và mọi phân biệt đều biến mất (animitta). Rồi Ngài đề cập
đến quan điểm của những người đối lập với Ngài, có lẽ các vị Kinh bộ xem
Niết bàn không hiện hữu như sừng thỏ, vì không thể nhận lãnh được