Ngoài ra, xem Niết bàn là Khaya của một vật gì khiến Niết bàn trở thành vô
thường, hữu vi và không hệ thuộc với chánh tinh tấn v.v... Về điểm này, đối
phương trả lời: "Thật không phải sai lầm nếu nói rằng, vì một vật sau khi
được đoạn trừ không còn phát sanh nữa, như vậy vật ấy chứng Niết bàn".
Buddhaghosa: Sự đoạn diệt như vậy không trở thành vấn đề; nếu được xem
như vậy, cũng không ủng hộ lập luận của đối phương, vì chính là Thánh
đạo đã tạo ra trạng thái Niết bàn (bhàva) và chính Thánh đạo đã diệt trừ bất
thiện và không cho hiện khởi vì Niết bàn là một giai đoạn (upanisayatta) để
đoạn diệt hoàn toàn không thể còn tái sanh (anuppattinirodhasankhatassa
khayassa); căn bản, cội rễ của sự phát sanh đã được hành vi chơn chánh
diệt trừ.
Rồi đối phương nói đến lý luận thứ ba, hỏi vì sao Niết bàn không được diễn
tả (sarù pen’evakasmànavuttanti ce?)
Buddhaghosa: Vì Niết bàn hết sức tế nhị. Thật sự hết sức tế nhị đến nỗi đức
Phật có lần đã nghĩ không nên giảng thuyết đến nữa; Niết bàn chỉ có thể lấy
Ariyacakkhu (Thánh nhãn) thấy được (nghĩa là chỉ có bậc A-la-hán mới
thấy). Vì tương ứng với magga (đạo), nên Niết bàn rất là đặc biệt
(asadhàrana) và vì không có bắt đầu, nên Niết bàn không có nhân.
Ðối phương: Không phải Niết bàn không có nhân, Niết bàn từ magga (đạo)
sanh ra.
Buddhaghosa: Niết bàn không phải do đạo sanh; Niết bàn chỉ chứng đạt
được khi theo magga; do vậy Niết bàn không có nhân, và do vậy không
hoại, không diệt. Vì không sanh, không hoại, không diệt, Niết bàn thành bất
tử (nicca).
Lý luận thứ tư được đối phương đặt ra như sau:
Ðối phương: Có gì trở ngại nếu xem Niết bàn vĩnh cửu như anu (vi trần)?