Quan điểm về Niết bàn được trình bày dưới một hình thức hoàn toàn sai
biệt trong các phẩm Ðại thừa. Chúng ta đã thấy tập Saddharma Pundarìka
hiểu Niết bàn như sự chứng ngộ bình đẳng tánh của tất cả các pháp. Bình
đẳng tánh (samatà), như đã giảng trong tập Prajnàpàramità và Sùtràlankàra,
theo Ðệ nhất nghĩa đế, nghĩa là sự không phân biệt giữa hai pháp hay sự bất
khả tế biệt một vật. Tập Bát nhã Ba-la-mật phát triển tư tưởng bình đẳng
tánh này xa hơn nữa và nêu rõ mọi sự vật được nhận thức hay được biết
trong thế giới này sự thật là một ảo ảnh (màyà) của một tâm trí mê mờ. Cho
nên nếu ai nói đến Niết bàn hay sự chứng ngộ Niết bàn, người ấy tưởng
tượng do kiến thức khuyết điểm của mình, sự hiện hữu của một người và
Niết bàn của người ấy, và nghĩ rằng người ấy sau khi thực hành các giới
luật, chứng được cảnh giới cuối cùng là Niết bàn (Panca, tờ 399b).
Sự thật, tất cả đều do vọng tưởng của mình (parikalpanà). Một trong những
thí dụ dùng để nói lên sự ảo tưởng này được diễn tả như sau: một nhà ảo
thuật (màyàkàra) hay đệ tử của ông rất giỏi về ảo thuật, tạo ra năm lạc thú
(panca kàmagunà) và tự thấy mình đang hưởng năm lạc thú ấy (Sata, 117).
Sự thật, người ấy có hưởng thọ không? Cũng vậy, một vị Bồ-tát hay đức
Phật nói đến cái gọi là năm thú ở đời (Kàmagunà), các hạnh Bồ-tát, các uẩn
(như giới định v.v...), Bát chánh đạo, Niết bàn hay Phật. Sự thật, tất cả pháp
ấy không thật có, chúng chỉ là những danh từ đặt ra để gọi sự vật, sự hiện
hữu của chúng chỉ do chúng sanh vô minh tạo ra, chúng sanh này sự thật
không thực có và chỉ được gọi là một sattava (hữu tình) hay rùpa(sắc).
Nhưng chữ Sattva hay Rùpa chỉ là danh từ, chỉ là giả danh, cái gì giả danh
là không sanh, không diệt, chỉ dùng như một biểu tượng; nội, ngoại hay cả
hai đều không thể nhận thức.
Tập Prajnàràramità còn đi xa hơn và nói rằng cái gọi là nàmadhuya (giả
danh) cũng không thể được xem như là hiện hữu (Sata, tr.522). Không thể
có một sự nhập (àya) hay xuất (vyaya) của bất cứ sự vật gì, cho cả đến
sarvadharmatathatà (nhất thế pháp như thật tánh) hay đức Phật; chúng ta
không thể nói có vị A-la-hán hay đức Phật hay bất kỳ sự liên hệ gì giữa hai