được tánh idappaccayatà hay tánh tương đối sự vật thế gian. Do đó, chúng
ta có thể nói lý Duyên khởi có 12 vòng chuyền như các Thánh đế, là một
nguyên tắc tổng quát hơn là một giáo lý đặc biệt của Phật giáo, dù rằng
chắc chắn nhờ các vị Phật tử uyên bác thời xưa mà công thức này được
tuyên bố. Chúng ta không thể biết đức Phật đã chịu trách nhiệm nhiều ít
như thế nào trong sự lựa chọn các vòng chuyền, nhưng rất có thể nhờ con
mắt sâu sắc của Ngài mà sự hiện hữu tương đối của mọi sự vật ở đời lần
đầu tiên được thấy rõ.
Vì các vòng chuyền công thức đã được các giáo sư là Vallee Poussin,
Keith, Oldenberg giải thích, chúng ta chỉ trình bày một cách vắn tắt.
Công thức được sắp như sau: 1) Avijjàpaccayà sankhàrà (Vô minh duyên
hành); 2) Sankhàràpaccyà vinnànam (Hành duyên thức); 3)
Vinnànapaccayà nàmarùpam(Thức duyên danh sắc); 4) Nàmarùpa paccayà
salàyatanam (Danh sắc duyên lục nhập); 5) Salàyatanapaccayà phasso (Lục
nhập duyên xúc); Phassapaccayà vedanà (Xúc duyên thọ); 7)
Vedanàpaccayà tanhà (Thọ duyên ái); 8) Tanhàpaccayà upàdànam (Ái
duyên thủ); 9) Upàdànapaccayà bhavo (Thủ duyên hữu); 10) Bhavapaccayà
jàti (Hữu duyên sanh); 11) Jàtipaccayà jaràmaranam (Sanh duyên lão tử).
Vòng chuyền thứ nhất, vô minh, thường nói đến trạng thái mê ám của tâm
trí ngăn cản một chúng sanh không có tri kiến chơn chánh về sự vật ở đời,
nghĩa là hiểu lầm vật vô thường là thường, đau khổ là lạc, không có linh
hồn vĩnh cửu như là có linh hồn v.v... Vòng chuyền thứ hai là Sankhàrà
(hành) = cetanà (tư) về thiện (punna), bất thiện (apunna) và những đặc tánh
không thiện không ác (ànenja = vô ký). Hành được vòng chuyền thứ ba,
vinnàna (thức) tiếp nối nghĩa là những nhận thức ngang qua sáu căn. Câu
hữu với vinnàna khởi lên bốn uẩn (khandha) và tạo thành một chúng sanh
hoàn toàn (nàmarùpa) trong thai. Khi thai lớn lên, danh sắc cần đủ 6 giác
quan để làm việc và các giác quan này đến lượt mình tạo ra 6 xúc (phassa).
Tánh của xúc tạo thành thọ tương đương (vedanà) và từ thọ sanh ái (tanhà).