Loại thứ hai, Paratantra, thuộc về một sự hiện hữu tưởng tượng nói đến
trước, đứng về phương diện sanh khởi, nghĩa là mọi sự vật hay cảm giác
chỉ có sự hiện hữu trong tưởng tượng và y cứ vào một vật gì để sanh khởi
(paratantra). Sự vật hiện ra không giống với nguồn gốc phát sanh ra chúng,
do vậy nên có lời nói là sự không thật có của sự vật chỉ được nhận thức khi
chúng được xem từ chỗ phát sanh ra chúng. Dù cho sự vật, thiện, ác, vô ký
hay ba giới, hay các tâm và tâm sở, chỉ có một đời sống tưởng tượng,
nhưng chúng cũng khởi lên từ các nhân và các duyên, nghĩa là chúng phải y
nơi các pháp khác mà sanh khởi, và do vậy chúng không thể nói là thật sự
hiện hữu, vì một sự vật thật có luôn luôn như vậy, không phải y vào nhân
và duyên. Tập Lankàvatàra nói một cách tóm tắt như sau: Mọi sự vật phát
sanh từ một căn bản nào là duyên khởi hay y tha khởi (yadasrayàlambanàt
pravartate tat paratantra). Asanga phân tích paratantra như sau: Tướng của
paratantra là abhùtapankalpah (vọng tưởng) về chủ thể (gràhaka=năng trí)
và vật thể (gràhya= sở tri).
C- Parinispanna (Viên thành thực)
Loại thứ ba, Parinispanna, thuộc về Paramàrtha (Chân đế) hay Tathatà (như
thực tánh). Như hư không, sự thật này thuần nhất (nghĩa là ekarasa= nhất
vị), trong sạch và không biến hoại, Parinispanna-svabhàva (Viên thành thực
tự tánh) gọi là Paramàrtha vì là vị trí cao nhất, từ đó nhìn xuống các sự vật
y tha khởi. Trong nghĩa này, cũng có thể gọi Dharmatà=Pháp nhĩ như thị,
hay nói một cách khác, tối thượng tiềm tàng trong thế giới hiện tượng. Tập
Siddhi nêu rõ Parinispanna được gọi như vậy vì hoàn toàn không bị biến
hoại. Nếu so sánh với Paratantra thời Parinispanna, tức là Paratantra nhưng
hoàn toàn không có phân biệt giữa chủ thể và vật thể, hai pháp sau này chỉ
do tâm trí tưởng tượng và vì vậy không thật sự hiện hữu. Do đó,
Parinispanna được xem là paratan tra, trừ parikalpita.
Hai sự thật trong Tiểu thừa