không đi tìm sự thất bại ấy, tôi vẫn gặp lại nó trong tâm tưởng và ở bất kỳ
nơi nào tôi cũng thấy nhục nhã.
- Tôi thật lòng không biết trả lời ngài thế nào cho phải – cử nhân Peranta
nói – nhưng có le cũng hợp cảnh khi tôi nhắc hai câu thơ của Petracca (nhà
thơ Ý, sinh năm 1304, mất năm 1374):
Che chi prende dilette di far frode
Non si de lamenar staltri l’inganna
mà nếu dịch sang tiếng Tây Ban Nha nó là thế này: Kẻ nào thường thích
lừa người, khi bị người lừa chớ có mà kêu.
- Không, tôi đâu dám kêu ca – thầy quản trả lời – mà chỉ thương thay cho
mình thôi. Tôi cũng hiểu rằng kẻ có tội mà chưa biết tội trạng của mình thì
chưa cảm nhận được nỗi nhục nhã của sự trừng phạt. Tôi cũng nhận thấy rõ
ràng rằng tôi muốn lừa người nhưng tôi lại bị người lừa, bởi vì chính những
mưu mô và hành động của tôi đã hại tôi. Nhưng tôi cũng không đủ sáng
suốt để mà không tự ta thán cho chính mình. Cuối cùng để kể thêm cho
ngài rõ câu chuyện của tôi, tôi xin nói rằng cái người anh em họ của Donha
Extephania mà tôi bắt gặp trong phòng khách đã mang cô nương đi nơi
khác và sau này họ trở thành vợ chồng suốt đời. Tôi không muốn tìm cô
nương vì tôi không thích trả thù nữa. Trong ít ngày, tôi chuyển nhà trọ, tôi
đổi bộ tóc, bởi vì lông mày, lông mi bắt đầu rụng, và tóc tôi dần dần cũng
rụng hết khiến tôi bị hói trước tuổi. Thật ra là tôi bị bệnh rụng tóc. Tôi thấy
mình là kẻ trọc lóc thật sự, vì không những không có tóc để mà chải, mà
còn không có tiền để mà tiêu. Bệnh tật cứ theo gót cuộc sống quẫn bách của
tôi. Vì sự nghèo hèn thường đố kỵ với danh giá con người nên một số kẻ đã
bị dẫn đến giá treo cổ, số khác lại bị đưa vào nhà thương, còn một số nữa bị
tống cổ vào nhà kẻ thù của mình để phải vừa van xin vừa phải tuân phục
nó. Đó là một trong số những nỗi khổ lớn nhất có thể xảy ra đối với một kẻ
bất hạnh. Để khỏi phải bán quần áo và cũng vừa đúng lúc trong nhà thương
Recurecxion người ta dùng biện pháp xông để chữa bệnh, tôi liền vào nhà
thương này. Đó là nơi tôi đã được xông tới bốn mươi lần. Người ta bảo
rằng tôi sẽ lành bệnh nếu tôi chịu kiêng cữ giữ gìn. Thanh kiếm tôi vẫn có,